Xây dựng môi trường văn hóa theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Thứ tư, 13 Tháng 10 2021 09:30

10113 Lượt xem

(LLCT) – Xây dựng môi trường văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn chưa tương xứng. Vì vậy, Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ các cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện, thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: VGP

Môi trường văn hóa là môi trường nhân tạo, do con người tạo ra, bên cạnh môi trường tự nhiên. Môitrường văn hóa chứa đựng những giá trị văn hóa do con người, cộng đồng dân tộc, nhân loại sáng tạo ra trong quá khứ cũng như trong hiện tại và tương lai. Môi trường văn hóa cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của con người (hoạt động sáng tạo, lưu giữ, bảo quản, lan tỏa, truyền bá, thưởng thức, đánh giá các giá trị và sản phẩm văn hóa). Môi trường văn hóa là môi trường sống, sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của con người. Con người là chủ thể của môi trường văn hóa, sáng tạo, thụ hưởng những giá trị (và cả phản giá trị) trong môi trường văn hóa. Ngược lại, môi trường văn hóa cũng có tác động nhiều mặt đến việc nhân hóa, văn hóa hóa con người. Như tục ngữ ta có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa là góp phần tạo nên môi trường sinh quyển nhân văn, nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh; làm tiền đề để xây dựng và hoàn thiện con người, bảo đảm an ninh con người, an ninh văn hóa, an ninh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Xây dựng môi trường văn hóa có quan hệ mật thiết với việc xây dựng con người; xây dựnggia đình; xây dựng làng xã, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh; xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; phát triển đồng bộ, hài hòa kinh tế và văn hóa ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, tạo lập và phát huy sức mạnh của “vốn văn hóa”, “sức mạnh mềm văn hóa” cho sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhằm “Tạo ra ở các đơn vị cơ sở (gia đình, làng, bản, xã, phường, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp, nông trường, lâm trường, trường học, đơn vị bộ đội…) các vùng dân cư (đô thị, nông thôn, miền núi…) đời sống văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của nhân dân”(1).

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Việc xây dựng con người, xây dựng môi trường văn hóa, phát triển giáo dục, đào tạo, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển hệ thống thông tin đại chúng, internet, phát triển văn học – nghệ thuật, chính sách văn hóa đối với tôn giáo, tín ngưỡng, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa đã đạt được những thành tựu to lớn. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và hệ giá trị của con người Việt Nam, đại gia đình các dân tộc Việt Nam ở các vùng, miền, địa phương, cơ sở đều được quan tâm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan, công sở, đơn vị văn hóa,… được các tầng lớp nhân dân, giai tầng trong xã hội tích cực tham gia, ngày càng lan tỏa sâu rộng, đã khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội ở mọi vùng, miền trên cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng theo tiêu chí mới.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa đã được các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương quan tâm đầu tư, quản lý, phát triển. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động và đóng góp nguồn lực cho xây dựng môi trường văn hóa ngày càng nhiều hơn. Hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa ở các cấp được tăng cường xây dựng và hoàn thiện. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa ở cơ sở được tăng cường. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, tiêu cực, chống các quan điểm, hành vi sai trái, thù địch gây hại đến môi trường văn hóa, lối sống con người được chú trọng. Trong bối cảnh phòng chống đại dịch Covid-19 đã nổi bật lên những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình, cộng đồng, làng xã tốt đẹp; nhiều gương người tốt, việc tốt, nghĩa tình được nhân rộng, phát huy.

Tuy nhiên, việc xây dựng môi trường văn hóa trong thời gian qua vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất – kỹ thuật cho hoạt động văn hóa ở cơ sở còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Chênh lệch về phúc lợi xã hội, phúc lợi văn hóa, mức hưởngthụ văn hóa và các dịch vụ xã hội cơ bản giữa các vùng, miền, địa phương, các giai tầng xã hội còn khoảng cách lớn; đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Môi trường văn hóa còn nhiều mặt chưa thật sự lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa, đạo đức dân tộc. Các loại văn hóa phẩm độc hại, mặt trái của mạng xã hội vẫn còn xâm nhập mạnh vào giới trẻ, các gia đình và xã hội. Tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, tội phạm hình sự, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thương tích cháy nổ, bạo lực học đường, bạo lực xã hội, bạo lực gia đình, bạo lực phụ nữ và trẻ em, tình trạng xâm phạm, phá hoại môi trường sinh thái vẫn còn nghiêm trọng. Nhiều cơ sở dịch vụ văn hóa, karaoke, vũ trường, quảng cáo, nhà hàng, khách sạn mở tràn lan, hoạt động tùy tiện, chạy theo lợi nhuận, vi phạm các quy định của pháp luật; các cơ quan quản lý nhà nước chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý. “Đạo đức, lối sống trong gia đình, học đường và xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc cho xã hội”(2); “Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”(3). “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”(4). “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”(5), sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng chưa được ngăn chặn hiệu quả…Những hạn chế, yếu kém nêu trên đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa; đến kết quả xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và quá trình phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái ở địa phương, cơ sở.

Trên cơ sở kết quả và những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng môi trường văn hóa thời gian qua, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân”(6); “Xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế”(7). Theo phương hướng đó, cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh

Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường văn hóa đầu tiên, quan trọng, trực tiếp giáo dục và hình thành nếp sống, đạo đức, nhân cách của mỗi con người. Vì vậy, muốn xây dựng môi trường văn hóa tiến bộ, lành mạnh thì trước hết phải xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đại hội XIII của Đảng xác định: “giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(8); “thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”(9). Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới vừa trên cơ sở giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống vừa tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ, khoa học, hợp lý của nhân loại về gia đình. Bên cạnh các nội dung, tiêu chuẩn về xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc” đã được nêu trong các Văn kiện Đại hội XI, XII, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bổ sung thêm nội dung, tiêu chuẩn giá trị “Văn minh” là một nội dung, tiêu chuẩn giá trị mới, quan trọng để xây dựng gia đình Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Cần đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc ông bà, cha mẹ. Coi trọng xây dựng văn hóa, lễ nghĩa, nền nếp gia phong trong mỗi gia đình. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Gắn xây dựng gia đình văn hóa với xây dựng khu dân cư văn hóa, làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”(10). Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là các cấp Hội phụ nữ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong việc tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên chăm lo xây dựng gia đình văn hóa. “Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc”(11).

Hai là, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa ở cơ sở

Môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú phải được thể hiện qua các hoạt động văn hóa lành mạnh và đa dạng của mỗi người dân và cộng đồng. Vì vậy, phải đẩy mạnh các hoạt động văn hóa ở cơ sở như: thông tin, truyền thông, tuyên truyền, cổ động; câu lạc bộ; thư viện, đọc sách báo; bảo tồn, bảo tàng, phát huy giá trị di sản văn hóa và giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng; văn nghệ quần chúng; xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa; thể dục thể thao; du lịch, vui chơi giải trí; hoạt động xã hội từ thiện…. Các hoạt động văn hóa ở cơ sở phải được đổi mới tổ chức quản lý, hoạt động, đầu tư theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cùng thụ hưởng.

Phát huy các giá trị, các nhân tố tích cực, nhân văn trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng. Khuyến khích các hoạt động tôn giáo gắn bó với dân tộc, hướng thiện, nhân văn, tiến bộ, “tốt đời, đẹp đạo”. Khuyến khích các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, từ thiện, nhân đạo. phê phán và đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan và truyền đạo trái phép ở cơ sở. Khắc phục những biểu hiện của “hiện tượng thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở một số nơi”(12).

Ba là, xây dựng trường học, cơ quan, đơn vị văn hóa; xây dựng làng bản, khu phố văn hóa; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Xây dựng mỗi trường học thực sự là môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh; là môi trường giáo dục văn hóa, rèn luyện toàn diện về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống, thể chất, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Xây dựng văn hóa học đường, “tiên học lễ, hậu học văn”; mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo; chống bệnh thành tích và thương mại hóa giáo dục; thực hiện học thật, thi thật, nhân tài thật. Xây dựng môi trường văn hóa ở các cơ quan, đơn vị tinh thần đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ. Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, ấp, khu phố, khu tập thể, xã, phường văn hóa, nâng cao tính tự quản của cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn, đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Bốn là, xây dựng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa

Các thiết chế văn hóa như: thư viện, bảo tàng, nhà truyền thống, câu lạc bộ, nhà hát, trung tâm văn hóa – thể thao, cơ quan báo chí, thông tin đại chúng, dịch vụ internet, sân khấu, trung tâm chiếu phim, công viên, sân vận động,… là nơi các hoạt động văn hóa diễn ra một cách tập trung, phản ánh những giá trị của đời sống văn hóa cộng đồng, dân tộc. Đó là môi trường vật chất, là “đường dẫn”, “điểm tựa” cho các hoạt động văn hóa, các giá trị văn hóa diễn ra trong đời sống xã hội. Cần phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đồng thời quan tâm đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm ở trung tâm của các vùng, miền và các công trình văn hóa mang tầm quốc gia. Tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đóng góp đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành thiết chế văn hóa. Các thiết chế văn hóa phải phát triển theo hướng tự chủ, đẩy mạnh hợp tác công – tư, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư (doanh nghiệp) và người dân; xóa bao cấp, “xin – cho” trong hoạt động, tôn trọng quy luật thị trường, đồng thời cũng tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm để bảo đảm cho các thiết chế văn hóa hoạt động đúng định hướng chính trị của Đảng và pháp luật của Nhà nước; khuyến khích mục tiêu không vì lợi nhuận của các thiết chế văn hóa, nhằm nâng cao phúc lợi văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Năm là, quan tâm xây dựng và bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái

Đây là một yêu cầu cơ bản để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách về bảo vệ môi trường trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh có tính chất toàn cầu hiện nay. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái(13); “Có kế hoạch khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô thị. Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân”(14). Nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng văn hóa ứng xử của con người với môi trường tự nhiên. Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; trong gia đình và nơi công cộng. Bảo vệ và tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cho người và vật nuôi… Kiên quyết xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường.

Bên cạnh việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái, cần chú trọng bảo tồn, xây dựng và phát huy giá trị các cảnh quan văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản kiến trúc, các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng, công trình xây dựng cổ xưa, đường phố, tượng đài, công viên… Đây là những không gian văn hóa do con người sáng tạo ra, chứa đựng những giá trị văn hóa của cộng đồng, dân tộc; góp phần tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh.

Sáu là, gắn các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh

Xây dựng môi trường văn hóa phải gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở cơ sở. Những hoạt động xây dựng môi trường văn hóa phải nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo đa chiều bền vững, làm giàu chính đáng, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, thị trường, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số; bảo đảm tiến bộ và an sinh xã hội, công bằng xã hội; nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách về đời sống vật chất và tinh thần giữa vùng đô thị và nông thôn, giữa vùng có kinh tế phát triển với vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo, giữa các giai tầng trong xã hội.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Xây dựng các chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế nhằm thu hút, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa, môi trường văn hóa.

Xây dựng môi trường văn hóa phải gắn với bảo đảm quyền con người, an ninh con người, an ninh văn hóa, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc; kịp thời phát hiện, xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, không để hình thành các “điểm nóng” ở địa phương, cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong từng gia đình, từng cơ quan, đơn vị cơ sở. Đấu tranh ngăn chặn và trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội (nhất là tội phạm ma túy, mại dâm, tội phạm hình sự, tội phạm tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao) và những hành vi vi phạm pháp luật khác, giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội và cuộc sống yên bình của nhân dân.

Bảy là, thực hành dân chủ rộng rãi, đề cao tính tích cực và trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của công dân, kỷ luật, kỷ cương của mỗi tổ chức, cá nhân trong xây dựng môi trường văn hóa; xây dựng văn hóa trong các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị

Để xây dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh, văn minh, phải thực hành dân chủ rộng rãi, khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân được tổ chức và tham gia các hoạt động văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dân cư. phát huy dân chủ, tự do sáng tạo đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, pháp chế; bảo đảm tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo và hoạt động văn hóa gắn liền với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của mỗi người với mục đích đúng đắn và lành mạnh. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực thi nghiêm chỉnh quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đưa các phong trào nói trên đi vào chiều sâu, có kết quả thiết thực trở thành phong trào của toàn xã hội, chống bệnh “thành tích” và “hình thức”. Tăng cường quản lý mạng xã hội, bảo đảm an ninh mạng.

Chú trọng chăm lo xây dựng môi trường văn hóa trong các tổ chức Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị – xã hội – nghề nghiệp; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở có ý thức thượng tôn pháp luật, có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, hội viên. “phải coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, mà nội dung quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong từng đảng viên, hội viên. Sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên là yêu cầu quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng”(15); “Đổi mới tổ chức, bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội,bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng và nhân dân”(16); “thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(17). Đây là những định hướng cơ bản nhằm tạo nên những kết quả mới to lớn và toàn diện hơn trong xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam, gia đình Việt Nam, xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2021

(1)ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trịquốc gia, Hà Nội, 1998, tr.59-60.

(2), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sựthật, Hà Nội, 2021, tr.72, 73.

(3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (13), (14), (16), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HàNội, 2021, tr.84, 93, 95, 144, 262, 143, 144, 117, 154, 43, 27.

(10) Bài nói chuyện của Bác Hồ tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật hôn nhân và Gia đình, tháng 10-1959.

(11)  Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

(15) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.59.

PGS, TS NGUYỄN DUY BẮC

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh