Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay
Xây dựng môi trường văn hóa (văn hóa công sở) trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trước tác động của các nhân tố chủ quan và khách quan, việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan hành chính còn nhiều khó khăn, thách thức. Bài viết góp phần nhận diện những rào cản và giải pháp xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại Hội thảo triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án văn hóa công vụ do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 19/3/2019.
Thực trạng xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan hành chính thời gian qua
Môi trường văn hóa công sở là môi trường văn hóa đặc thù trong cơ quan công quyền do đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thực hiện và tạo nên dựa trên những chuẩn mực, đạo đức xã hội và hệ thống chính sách, pháp luật; được biểu hiện qua mối quan hệ, giao tiếp ứng xử, bầu không khí làm việc khoa học, nhân văn, tiến bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc, củng cố, lan tỏa hình ảnh, uy tín của đơn vị, tạo sự thân thiện, gần gũi với các đối tác và Nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Những năm qua các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan hành chính cả nước đã quyết liệt thực hiện nghiêm quy định về văn hóa công sở và kỷ luật, kỷ cương hành chính; hình thành phong cách, lề lối làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo gắn với đạo đức, trách nhiệm công vụ của đội ngũ CBCCVC; xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật ngày càng đồng bộ, đầy đủ; ứng dụng có hiệu quả thành tựu của công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính; hình thành các bộ quy tắc về giao tiếp, ứng xử văn hóa cũng như không ngừng quan tâm, đầu tư xây dựng cảnh quan, không gian công sở ngày càng xanh, sạch, đẹp, thân thiện, tạo được niềm tin trong Nhân dân.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, khả quan nêu trên, thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền và trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy việc xây dựng môi trường văn hóa trong một số cơ quan hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cũng như sự kỳ vọng, mong đợi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Do những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, lợi ích vật chất; sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, một số CBCCVC có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sa vào chủ nghĩa cá nhân, đề cao lợi ích nhóm… đã phần nào ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của bộ máy hành chính nhà nước. Nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền bị phát hiện, khởi tố, trong đó có những cá nhân từng giữ những vị trí, chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang… đã gây bức xúc dư luận, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân. Những hành vi, biểu hiện lệch chuẩn đó không chỉ gây tổn hại về vật chất mà cả về tinh thần cho xã hội, cho cơ quan, đơn vị; ảnh hưởng không tốt đến môi trường làm việc của cơ quan, tổ chức trong bộ máy hành chính; ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc, tác động xấu đến hình ảnh, uy tín của cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã có những chuyển biến tích cực, đã giảm bớt một số đầu mối, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; từng bước tinh giản biên chế; cải cách tiền lương, tạo cơ chế, môi trường làm việc minh bạch, liêm chính, khách quan, công bằng, phát huy được năng lực, sở trường của những cán bộ tài năng, tâm huyết. Tuy nhiên, số lượng CBCCVC dôi dư sau giải thể, sáp nhập các đơn vị vẫn còn lớn, việc xác định vị trí việc làm còn bất cập, công tác đánh giá cán bộ còn hạn chế.v.v. những vấn đề đó cũng ảnh hưởng đến môi trường văn hóa công sở.
Môi trường văn hóa công sở thể hiện qua tinh thần, thái độ làm việc; qua chuẩn mực, đạo đức, lối sống; qua phương thức ứng xử, giao tiếp của đội ngũ CBCCVC; song việc một số CBCCVC nhận thức phiến diện về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, chỉ vun vén cho lợi ích và sở thích cá nhân gây ảnh hưởng không tốt đến việc thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp trong cơ quan, đơn vị. Môi trường văn hóa công sở chỉ thực sự lành mạnh, trong sạch khi có sự đồng tâm, trên dưới một lòng của toàn thể CBCCVC với những chuẩn mực, quy tắc được thực thi, thể hiện qua ứng xử chuẩn mực khi giao tiếp, ứng xử với Nhân dân, đồng nghiệp. Những biểu hiện lệch chuẩn sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường văn hóa nơi công sở, đến uy tín, hình ảnh của cơ quan công quyền, là những rào cản trong thực thi nhiệm vụ. Những hạn chế đó cần được nhận diện để có giải pháp khắc phục, nhất là khi cả hệ thống chính trị đang quyết liệt thực hiện Chương trình tổng thể cải cách nền hành chính giai đoạn 2021-2030 nói chung; cải cách chế độ công vụ, công chức nói riêng.
Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan hành chính nhà nước
Một là, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Môi trường văn hóa chịu ảnh hưởng, tác động của nhiều nhân tố (thể chế, chính sách; điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội; truyền thống lịch sử, văn hóa vùng miền), tuy nhiên nhân tố quyết định tạo nên diện mạo, bản sắc văn hóa công sở vẫn là nhận thức, hành động của đội ngũ CBCCVC. Để xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, văn minh, tiến bộ, vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quan trọng, quyết định. Ngoài năng lực chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo quản lý, năng lực truyền cảm hứng, người lãnh đạo, người đứng đầu phải luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tiên phong, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc.
Trong truyền thống văn hóa chính trị phương Đông, trong đó có Việt Nam, bên cạnh yếu tố tài năng thì đạo đức, nhân cách, tấm gương sáng của người đứng đầu luôn được đề cao, chú trọng. Vì vậy, việc xây dựng môi trường văn hóa công sở thành công hay không, có tạo được dấu ấn trong đời sống chính trị, phụ thuộc lớn vào quyết tâm, tầm nhìn và sự liêm chính, trách nhiệm của người đứng đầu cùng sự đồng tâm, nhất trí, ủng hộ của toàn thể CBCCVC.
Trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ CBCCVC phải không ngừng đổi mới tư duy, ra sức học tập tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt đời cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân, lợi ích của quốc gia dân tộc làm mục tiêu phấn đấu; xây dựng thành công nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân. Đồng thời, không ngừng học tập, tiếp thu kinh nghiệm trong quản trị, điều hành; cũng như những giá trị tiến bộ trong văn hóa công sở của các quốc gia tiên tiến điển hình để vận dụng phù hợp thực tiễn môi trường nền hành chính Việt Nam.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện Quy chế văn hóa công vụ, công sở.
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, cần tiếp tục hoàn thiện Quy chế văn hóa công vụ, công sở nói chung; quy định về văn hóa công sở nói riêng theo hướng bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đầy đủ, hiện đại, nhất là các đạo luật quy định về nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm của CBCCVC trong các cơ quan, đơn vị, đồng thời căn cứ vào tính chất ngành nghề, công việc, để xây dựng nội quy, quy chế làm việc phù hợp; xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa công sở, trong đó quy định rõ trách nhiệm, tinh thần, thái độ, phong cách, lề lối làm việc của mỗi phòng ban, mỗi CBCCVC. Các tiêu chí, tiêu chuẩn về văn hóa công sở phải dễ thuộc, dễ nhớ, dễ vận hành và thuận lợi trong kiểm tra, đánh giá.
Trước mắt, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Văn hóa công vụ; tích cực, chủ động tham gia phong trào CBCCVC thi đua thực hiện văn hóa công sở với ba trụ cột chính, đó là: xây dựng lại hệ giá trị chuẩn mực trong văn hóa công sở; kiến tạo môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả; hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của CBCCVC chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo vì người dân phục vụ. Thời gian tới, cần nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Chỉ thị số 26/CT-TTg và Quyết định số 1847/QĐ-TTg phù hợp tình hình mới.
Ba là, xây dựng bầu không khí làm việc dân chủ, sáng tạo, hoạt động hiệu quả.
Để kiến tạo, gìn giữ môi trường văn hóa công sở lành mạnh, cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ và bảo vệ CBCCVC có tài, có đức, “vừa hồng, vừa chuyên”. Để thực hiện tốt dân chủ trong hoạt động công vụ, mỗi CBCCVC phải luôn đặt công việc chung, lợi ích của tập thể, của người dân lên trên hết, không toan tính, vụ lợi cá nhân. CBCCVC cần nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực hiểu biết và vận hành công việc theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hình thành thói quen giao tiếp, ứng xử có chuẩn mực, có văn hóa, ý thức rõ vai trò, vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó cần nhân rộng, lan tỏa những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật đạo đức công vụ, những biểu hiện lệch chuẩn của một số CBCCVC để cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, đồng thời tạo lập môi trường văn hóa công sở lành mạnh, văn minh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm áp lực công việc, xử lý hồ sơ giấy tờ cho đội ngũ CBCCVC, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, hướng đến xây dựng nền hành chính số, chính phủ số, xã hội số, qua đó góp phần giảm thiểu những hành vi tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo sự liêm chính, minh bạch, năng động, hiện đại của cơ quan công quyền, tạo được niềm tin, sự kỳ vọng của Nhân dân.
Bốn là, quan tâm, đầu tư xây dựng công sở ngày càng hiện đại, văn minh.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học, liên thông, cách bài trí công sở gọn gàng, sáng, xanh, sạch, đẹp, có những điểm nhấn về thẩm mỹ, kiến trúc, biểu trưng văn hóa vùng miền, quốc gia dân tộc sẽ mang lại cảm giác vừa thân thiện, gần gũi, gắn bó, vừa mang tính tôn nghiêm, mực thước nơi công sở.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp, bố trí cảnh quan khuôn viên công sở một cách khoa học, theo hướng dẫn, quy định chung của Chính phủ, bộ, ngành cùng những cách làm sáng tạo của người đứng đầu, đội ngũ CBCCVC sẽ tạo động lực, niềm tin, xúc cảm mới để mỗi CBCCVC không chỉ gắn bó, yêu mến cơ quan mà sẵn sàng cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước, quê hương.
Việc xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, văn minh sẽ góp phần kiềm chế, đẩy lùi những mâu thuẫn, bất đồng, những hành vi lệch chuẩn, tạo động lực, sức hấp dẫn mới để quy tụ sức mạnh, trí tuệ, sự sáng tạo của tập thể, tất vả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thực hiện thành công khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.
TS. Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo: https://tcnn.vn/