Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Hương Mai

  –  

Thứ hai, 02/01/2023 07:30 (GMT+7)

Hà Nội luôn quan tâm đến công cuộc xây dựng con người thanh lịch, văn minh; giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc. Đây là vấn đề tiếp tục được chú trọng trong năm 2023 để đóng góp vào sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minhNgười dân Thủ đô đến Văn Miếu Quốc Tử Giám đi lễ, xin chữ dịp đầu năm.
Ảnh: Hoàng Vũ

Xây dựng văn hóa con người Thủ đô 

Trong công cuộc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh và đặc biệt là việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã thu được những kết quả đáng tự hào. Điều đó được thể hiện qua Giải Báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh do Thành ủy Hà Nội phát động và tổ chức.

Một số hành vi lệch chuẩn của một bộ phận người Hà Nội bị báo chí, truyền thông và dư luận lên án đã từng bước được chấn chỉnh…

Đi sâu vào vấn đề văn hóa, một nguồn lực to lớn cho sự phát triển của Hà Nội, TS Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Chúng ta cần xây dựng văn hóa con người và tập trung tuyên truyền về 3 vấn đề văn hóa cốt lõi nhất, hãy coi đó là 3 trụ cột của quốc gia để xây dựng văn hóa mới phát triển và thăng hoa được.

Đó là, văn hóa gia đình – nền tảng của xã hội, văn hóa doanh nghiệp – nền tảng kinh tế của đất nước, văn hóa công sở và đạo đức công vụ – là nền tảng chính trị của quốc gia.

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Ngày 17.6.1999, Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” do UNESCO trao tặng. Sau 20 năm, ngày 30.10.2019, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO”.

Trên đà đó, Hà Nội đã là nơi đầu tiên có nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa, thể hiện quyết tâm chính trị của Thủ đô tiên phong phát triển công nghiệp văn hóa.

PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa là đang đi đúng với xu thế. Văn hóa là gắn với sáng tạo, hoạt động tinh thần trực tiếp. Nói đến văn hoá của Hà Nội thì từ lâu đã được coi di sản. Tuy nhiên, vấn đề đang được đặt ra là cách tiếp cận và khai thác văn hoá đó trong thời hiện đại như thế nào. Tài nguyên văn hóa của Hà Nội rất nhiều nhưng cần phải định hình lại để có hướng phát triển cụ thể.

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, ở bất cứ một khâu nào trong nền công nghiệp thì con người luôn là yếu tố quan trọng nhất. Những thế hệ nghệ sĩ trẻ, những nhân tố hạt giống luôn được ưu ái tạo điều kiện để phát triển; học bổng và cơ hội du học tại các nước có nền công nghiệp văn hoá tiên tiến rộng mở trước họ, giúp tài năng trẻ mở mang tầm mắt, lĩnh hội tinh hoa.

Khi trở về nước, thế hệ nhân sự đó chính là nhân tố thúc đẩy phát triển nền công nghiệp văn hoá nước nhà một cách hiệu quả, đưa nền công nghiệp văn hoá nước ta vươn tầm thế giới.

Tại Hội thảo văn hoá 2022, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, cần có chính sách về đầu tư công và quản trị tư, đặc biệt là đối với các thiết chế văn hóa.

Bên cạnh đó, cần có quy hoạch tổng thể về văn hóa và công nghiệp văn hóa của cả nước để điều tiết, quản lý và phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực, tránh câu chuyện cùng một lúc rất nhiều địa phương tổ chức lễ hội, từ đó dẫn đến sự cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau; đồng thời, cần có chính sách phù hợp để phát triển các loại quỹ văn hóa của công cũng như tư.

Bước sang năm 2023, là năm bản lề thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Vì thế, ngành Văn hóa cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng cần phát huy hơn nữa vai trò lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.