Xây dựng và phát triển văn hóa đọc từ tiết đọc sách
–
Thứ sáu, 20/08/2021 15:03 (GMT+7)
Rèn luyện thói quen và kĩ năng đọc sách cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường và giáo viên tiểu học.
Học sinh Hà Tĩnh đọc sách để mở mang tri thức. Ảnh tư liệu: PDN
Nhiều phụ huynh phản ánh rằng con họ chỉ thích xem phim, chơi game,… chứ không chịu đọc sách. Vậy làm gì để tạo thói quen đọc sách cho học sinh?
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra và thực hiện như: Xây dựng tủ sách lớp học, xây dựng thư viện trường học thân thiện, tổ chức các hoạt động khuyến đọc,… Nhưng theo chúng tôi, giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất là tổ chức tiết đọc sách cho học sinh.
Giải pháp này được nêu tại “Điều 24. Xây dựng và phát triển văn hóa đọc” trong Điều lệ Trường tiểu học và được hướng dẫn trong Văn bản số 5750 ngày 31.12/2020 của Bộ GDĐT về việc tổ chức hoạt động thư viện trong trường tiểu học từ năm học 2020-2021. Theo đó, các nhà trường cần tổ chức tiết đọc tại thư viện nhằm tạo hứng thú và đam mê với việc đọc sách, tăng cường vốn từ vựng và củng cố kỹ năng đọc cho học sinh.
Tiết đọc tại thư viện được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau, được sắp xếp linh hoạt trong thời khóa biểu hoặc lồng ghép trong các hoạt động giáo dục khác phù hợp với điều kiện của nhà trường (từ 2-4 tiết/tháng).
Thầy Lê Kiên Cương, chuyên viên Phòng GDĐT huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Từ năm học 2016-2017, các trường tiểu học ở huyện Nghi Xuân đã tổ chức “Tiết đọc thư viện” với thời lượng 1 tiết/tuần/lớp.
Trong tiết đọc thư viện, các hoạt động đọc không tập trung vào dạy kỹ năng đọc mà mục đích chính là hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho học sinh. Trong mỗi tiết học, ngoài hoạt động đọc, học sinh còn được tham gia các trò chơi nhẹ nhàng, viết hoặc vẽ, nói cho nhau nghe cảm nhận của bản thân về nhân vật, về câu chuyện đó. Tiết đọc thư viện đã thật sự hấp dẫn học sinh, các em mong chờ đến tiết học để được đọc sách, để được viết vẽ và sáng tạo”.
Đặc biệt “tiết đọc sách” đã được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt ở cấp tiểu học theo Chương trình GDPT 2018. Đối với bộ sách Cánh Diều, ngay sau khi học sinh lớp 1 học xong các vần (giữa học kỳ 2), mỗi tuần học, các tác giả đã thiết kế một tiết “Tự đọc sách báo”.
Đối với bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, bắt đầu từ lớp 2, mỗi tuần học có một tiết “Đọc mở rộng”. Mục đích của tiết học này là để học sinh vận dụng những điều các em học được vào trong cuộc sống. Đồng thời nhằm cho học sinh làm quen với việc đọc sách báo tại thư viện nhà trường, giúp học sinh mở rộng vốn từ, mở rộng hiểu biết về chủ đề đang học, củng cố kĩ năng đọc, thích thú với việc đọc sách báo từ đó hình thành thói quen đọc sách.
Cụ thể, tiết “Tự đọc sách báo” của bộ sách Cánh Diều giúp học sinh “Làm quen với việc đọc sách báo”, “Đọc truyện”, “Đọc truyện tranh,” “Đọc thơ”, “Đọc sách về kiến thức, kĩ năng sống”, “Đọc báo”, “Đọc sách báo theo từng chủ đề”. Tiết “Đọc mở rộng” của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống giúp học sinh đọc mở rộng các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Đánh giá sau một năm thực hiện tiết dạy “Tự đọc sách báo” theo sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, cô giáo Trần Thị Lan Anh, chuyên viên Phòng GDĐT huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết: “Những tiết học đầu, học sinh còn gặp một ít khó khăn như phông chữ khác sách giáo khoa, văn bản mới chưa được tiếp cận lần nào nhưng rồi với sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của giáo viên, các em đã nhanh chóng bắt nhịp. Những tiết học sau đó các em rất hào hứng, tò mò và thích đọc sách báo để khám phá thêm những điều mới lạ”.
Việc đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu, vào sách giáo khoa với những tiết học chính khóa đã giúp hoạt động đọc được lặp đi lặp lại với một tần suất nhất định, trong một thời gian đủ dài từ đó sẽ hình thành nên thói quen đọc sách cho học sinh.
Khi tiết đọc sách trở thành yếu tố bắt buộc với thời lượng cụ thể thì nhà trường và phụ huynh sẽ có nhận thức đầy đủ hơn về yêu cầu hình thành thói quen đọc cho trẻ.