Xây dựng văn hoá doanh nghiệp có cần từ khi khởi nghiệp?
Mục lục bài viết
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp có cần từ khi khởi nghiệp?
Văn hoá doanh nghiệp cần được xây dựng có chủ đích từ khi mới khởi nghiệp? Đây là câu hỏi thảo luận dành cho 4 nhóm đại diện 60 CEO doanh nghiệp là cựu học viên Plato trong chuyến Walker Discovery tại Nhà máy cơ khí Ngãi Cầu với chủ đề “VĂN HÓA COI TRỌNG CON NGƯỜI & CÁCH XÂY DỰNG TẬP THỂ TIÊN PHONG”. 4 nhóm đều đồng thuận trả lời: sẽ tốt hơn cho tổ chức nếu các giá trị cốt lõi của tổ chức được công khai ngay từ đầu để tất cả thành viên cùng biết. Mình đồng ý quan điểm này. Những năm gần đây, không hiếm các bạn trẻ ngay từ khi khởi nghiệp có ý thức rõ ràng về xây dựng văn hoá doanh nghiệp từ đầu. Tuy nhiên có một thực tế khác: không hiếm doanh nghiệp hình thành văn hoá doanh nghiệp rất rõ ràng nhưng trong tổ chức không hề hiển diện chính thức nào bằng văn bản, truyền thông nội bộ không nhắc đến giá trị cốt lõi văn hoá tổ chức là gì.
Văn hóa doanh nghiệp Cơ khí Ngãi Cầu
Anh Hoàng Tùng, chủ tịch công ty cơ khí Ngãi Cầu, doanh nghiệp sản xuất lấy văn hoá doanh nghiệp với triết lý “Yêu thương & Biết ơn” làm lõi của bộ GENE văn hoá doanh nghiệp. Ở doanh nghiệp với 100 công nhân cổ xanh và 50 công nhân cổ trắng này, văn hoá doanh nghiệp hiện diện một cách tròn trịa và đồng thuận nhất quán ở cả 3 tầng.
Mô hình Văn hoá Tổ chức – Edgar Schein (nguồn ảnh: sưu tầm)
-
Tầng 3 (Artifacts): các hoạt động truyền thông nội bộ tổ chức đều đặn hàng tuần, khẩu hiệu về nguyên tắc văn hoá hiển diện khắp mọi nơi từ cổng, đến văn phòng, trong nhà xưởng và ở nhà ăn.
-
Tầng 2 (Espoused values): Sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu cốt lõi & 5 giá trị cốt lõi được văn bản hoá rõ ràng thể hiện ý chí và tâm huyết của lãnh đạo.
-
Tầng 1 (Basic assumptions): Chủ tịch Hoàng Tùng, trong hơn 60 phút chia sẻ, đã chậm rãi chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, về niềm tin của anh vào giá trị kinh doanh tử tế, về quan niệm sống lấy yêu thương, tôn trọng & biết ơn làm phương châm hành động. Thế giới quan của anh về cuộc sống & kinh doanh, hoàn toàn khít không còn một khe hở nào với những giá trị của tổ chức theo đuổi (Tầng 2 ở trên).
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp bắt nguồn từ đâu?
Ngược về thời gian những ngày đầu khởi nghiệp, anh Tùng chia sẻ chân thành rằng anh không có khái niệm gì và ít khi nói ra những giá trị cốt lõi sau này gần như thành viên nào của công ty cũng có thể nhắc đến. Quay trở lại câu hỏi “Văn hoá doanh nghiệp có cần được xây dựng có chủ đích từ khi mới khởi nghiệp”? Thực ra có một câu hỏi khác còn quan trọng hơn và đi vào bản chất hơn: lãnh đạo có niềm tin cốt lõi nào, có lý tưởng gì kể từ khi gánh trên vai một tổ chức họ sáng lập?
Giá trị cốt lõi của tổ chức, về bản chất là một cách thể hiện khác của niềm tin cốt lõi cá nhân. Cụ thể là cá nhân lãnh đạo. Nếu lãnh đạo có niềm tin mạnh mẽ vào giá trị nào đó (Personal Leadership’s Values) chắc chắn nó sẽ hiển diện trong hành vi ứng xử đối nội & đối ngoại của tổ chức. Giá trị cốt lõi của tổ chức (Organizational Core Values) theo đó xuất hiện. Cho dù có thể không tuyên bố công khai. Nhưng chắc chắn niềm tin cá nhân sẽ hiển diện trong hành vi, trong giao tiếp hàng ngày của lãnh đạo và lan toả, ảnh hưởng đến toàn tổ chức.
Ở công ty cơ khí Ngãi Cầu, đội ngũ hiểu và làm theo những giá trị tốt đẹp (Yêu thương & Biết ơn) không phải vì được tuyên truyền. Họ được truyền cảm hứng vì con người cá nhân lãnh đạo, về những hành động làm gương, vì niềm tin của lãnh đạo. Ở chủ tịch Hoàng Tùng, sự tử tế và biết ơn không chỉ là niềm tin (belief), có cảm giác như anh còn xem đó là đức tin (faith) và xem đó là hơi thở tự nhiên mỗi ngày.
Văn hoá doanh nghiệp không phải bắt đầu từ chữ “xây dựng”. Văn hoá doanh nghiệp chỉ bền vững khi khởi nguồn từ niềm tin cốt lõi cá nhân, cao hơn là đức tin về những điều tốt đẹp của cá nhân lãnh đạo. Vấn đề quản trị của họ là tích hợp, cân nhắc niềm tin cá nhân nào phù hợp để chọn làm giá trị cốt lõi của tổ chức.
Bài viết có thực sự hữu ích với bạn?
Hữu ích
+5
Không
0