Xây dựng văn hóa đọc trong giới trẻ
Việc xây dựng văn hóa đọc trong giới trẻ hiện đang là vấn đề được quan tâm. Song song với phương thức đọc sách truyền thống, trong thời kỳ công nghệ phát triển hiện nay, sự xuất hiện của nhiều kênh thông tin giải trí trên mạng internet đã hình thành thói quen đọc tin tức trên mạng của giới trẻ. Do đó, để xây dựng và phát triển văn hóa đọc, cần có sự phối hợp từ gia đình, trường học, các tổ chức, đoàn thể và cơ quan quản lý nhà nước với lộ trình lâu dài, phù hợp, trong đó trước hết là rèn luyện kỹ năng, thói quen đọc từ lứa tuổi học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường.
Xe thư viện lưu động đa phương tiện tại phố đi bộ Kim Đồng thu hút đông đảo các bạn trẻ tới tìm đọc những cuốn sách yêu thích.
Mỗi tối cuối tuần ở phố đi bộ Kim Đồng, thành phố Cao Bằng, chiếc xe lưu động của Thư viện tỉnh với hàng nghìn đầu sách đa dạng, phong phú lại thu hút đông đảo các bạn trẻ tới tìm đọc những cuốn sách yêu thích. Theo ước tính, trung bình ô tô lưu động đa phương tiện này có khoảng 200 độc giả tới tham quan và tìm đọc sách. Ngoài sách ra, trên xe còn có máy tính kết nối Internet để phục vụ tra cứu thông tin, đọc sách trên mạng. Điều này vừa mang đến những trải nghiệm đọc sách thú vị cho giới trẻ, cũng là một cơ hội để cho các em được tiếp cận với văn hóa đọc nhiều hơn, nhất là tạo niềm vui thích cho các em học sinh trong việc học tập, giải trí, tìm tòi những kiến thức mới.
Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu, khám phá tri thức của thanh thiếu niên, học sinh. Chính vì vậy, để phát triển văn hoá đọc trong giới trẻ, Tỉnh Đoàn, Hội đồng Ðội tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực và đa dạng. Đến nay, 100% các liên Đội tổ chức các hoạt động hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong thiếu nhi. Các cấp bộ Đội đã chủ động vận động, trang bị hơn 190 tủ sách măng non cho các liên Đội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Toàn tỉnh có 320 liên Đội hưởng ứng phong trào “Đọc và làm theo báo Đội” với hơn 60.000 thiếu nhi tham gia, từng bước hình thành thói quen, kỹ năng đọc sách trong nhà trường.
Độc giả đọc sách tại Thư viện tỉnh.
Đọc sách và xây dựng văn hóa đọc sách lành mạnh, hiệu quả cho giới trẻ vẫn là một nhu cầu thiết yếu trong xã hội ngày nay. Tại Thư viện tỉnh, hiện có trên 200.000 đầu sách, trung bình mỗi năm phục vụ khoảng 39.000 lượt độc giả, trong đó đa số là các bạn trẻ. Để phát triển văn hoá đọc trong giới trẻ, Thư viện tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức xe thư viện lưu động, khuyến khích các mô hình thư viện, tủ sách tư nhân để các bạn trẻ dễ tiếp cận sách. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã tác động không nhỏ tới văn hóa đọc của giới trẻ. Theo xu hướng đó, Thư viện tỉnh cũng đã có những thay đổi cho phù hợp như ông Phạm Ngọc Khoa, Giám đốc Thư viện tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Trong thời đại hiện nay, sự phát triển, bùng nổ của công nghệ thông tin cũng ảnh hưởng khá nhiều đến văn hóa đọc truyền thống. Một số các bạn trẻ quay sang đọc sách online hay trên máy tính, đấy cũng là một xu thế để phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay. Việc đọc sách ngày nay cũng không nhất thiết phải đọc cố định ở thư viện mà có thể sử dụng điện thoại, máy tính, có mạng là đọc sách online trên môi trường đọc, tuy nhiên, đọc phải có chọn lọc, để tiếp thu được những thông tin chính thống. Ngoài ra, về phía Thư viện cũng phải bổ sung thêm đa dạng các loại sách để đáp ứng nhu cầu đọc của các bạn trẻ, cần đầu tư trang trí các phòng đọc phù hợp với từng lứa tuổi; tăng cường phát động các cuộc thi theo hình thức online trên môi trường đọc, tạo điều kiện để bạn đọc tìm hiểu nhiều hơn về sách. Năm 2021, Thư viện tỉnh đã được cấp 400 triệu đồng để bước đầu hiện đại hóa thư viện, thành lập trang web của thư viện để số hóa tài liệu của thư viện”.
Dù hiện nay các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ và có nhiều tiện lợi, song vẫn không thể thay thế được cho văn hóa đọc sách, nhất là đối với các bạn trẻ, bởi đó là chìa khóa của trí tuệ, là kho tri thức vô giá của nhân loại.
Diệu Linh – Đàm Kiều