Xây dựng văn hóa học đường gắn với yêu cầu đổi mới giáo dục
Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 là giúp người học phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trong đó, văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục. Từ đó thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, góp phần rèn luyện nhân cách giúp học sinh phát triển toàn diện đức – trí – thể – mỹ. Do vậy, công tác xây dựng văn hóa học đường được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đặc biệt quan tâm.
Tiết đọc sách tại thư viện của học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng).
Tại Trường Tiểu học Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), cô giáo Vũ Thị Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường, nhà trường đã chú trọng triển khai xây dựng môi trường văn hóa, từ văn hóa ứng xử; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; văn hóa trong tổ chức các hoạt động tập thể, giáo dục kỹ năng sống đến phối hợp với gia đình, xã hội giáo dục học sinh cách giao tiếp, cư xử. Nhà trường chú trọng cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng trường lớp đạt chuẩn xanh – sạch – đẹp – an toàn. Với môi trường học đường thân thiện và an toàn, học sinh có thể học tập, vui chơi thoải mái ngoài không gian lớp học như: vườn trường, sân trường, thư viện, tạo không khí hào hứng, tích cực khi tham gia các hoạt động học tập. Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường đã thảo luận và thống nhất xây dựng quy tắc ứng xử, nội quy trường lớp… trong các mối quan hệ ứng xử giữa lãnh đạo với giáo viên, nhân viên; đồng nghiệp với nhau; giáo viên với học sinh; nhà trường với cha mẹ học sinh, với khách… Các quy tắc ứng xử có văn hóa được thực hiện hàng ngày đã tạo văn hóa trong môi trường sư phạm, sự đoàn kết, thống nhất, tôn trọng lẫn nhau; cùng nhau xây dựng uy tín chung của nhà trường. Sự mẫu mực về hành vi, thái độ… của thầy cô là tấm gương để học sinh noi theo, quan hệ thầy – trò gần gũi, thân thiện. Trường chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học góp phần phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học sinh; học sinh cởi mở, sẵn sàng chia sẻ, hợp tác với thầy cô, bạn bè. Từ đó việc khám phá và tiếp thu kiến thức trở lên nhẹ nhàng, linh hoạt. Cùng với việc giảng dạy các môn học, nhà trường đã chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: giáo dục về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm; bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước và có ý thức chăm sóc, bảo vệ di tích lịch sử địa phương. Hàng tuần, hàng tháng, Liên Đội, Đoàn trường và giáo viên chủ nhiệm tổ chức động viên các em tích cực tham gia các hoạt động theo các chủ đề, chủ điểm, sinh hoạt tập thể tạo sân chơi bổ ích để học sinh được giao tiếp, hợp tác, chia sẻ với nhau. Từ đó giúp học sinh hiểu được những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, của dân tộc, vun đắp bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, biết bảo vệ và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Nhà trường luôn chú trọng xây dựng, củng cố mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội; làm tốt công tác kết nối với cha mẹ học sinh để phối hợp giáo dục học sinh. Từ việc xây dựng văn hóa học đường, nhà trường đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, thân thiện. Học sinh nhà trường luôn ngoan ngoãn, lễ phép, thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy” và nội quy của trường, lớp. Kết quả giáo dục toàn diện của nhà trường ngày một tiến bộ, luôn đứng tốp đầu của các trường tiểu học trong huyện, là địa chỉ tin cậy để phụ huynh gửi gắm con em.
Còn thầy Phan Thanh Hiện, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Châu (Hải Hậu) chia sẻ: Xác định văn hóa học đường là yếu tố quan trọng để rèn luyện và giáo dục học sinh trở thành những người sống có ước mơ, có lý tưởng, hoài bão; phát huy tinh thần tự học, tự rèn luyện của học sinh, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh phát huy năng lực, phẩm chất, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục theo đúng hướng dẫn của ngành GD và ĐT; kết hợp giữa dạy chữ, dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; tôn trọng ý kiến của học sinh; phát triển cho học sinh những phẩm chất yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm… Cùng với đó, việc đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sự sáng tạo trong thầy và trò được nhà trường tích cực thực hiện. Học sinh có ý thức giữ gìn cơ sở vật chất, cây xanh; biết tôn trọng và chia sẻ, giúp đỡ bạn bè vươn lên trong học tập và rèn luyện; biết cách bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho bản thân; có ý thức học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cơ sở vật chất, xây dựng và giữ gìn trường, lớp xanh – sạch – đẹp; sử dụng an toàn và tiết kiệm điện, nước; bảo vệ các công trình văn hóa, các di tích lịch sử ở địa phương…
Toàn tỉnh hiện có 740 trường học gồm 230 trường mầm non, 227 trường Tiểu học; 226 trường THCS, 57 trường THPT. Nhằm đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, ngành GD và ĐT đã chỉ đạo các trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học do Bộ GD và ĐT ban hành. Hiện 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử. Hàng năm, 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh các nhà trường được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ Công đoàn giáo dục, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên trong các nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng ứng xử văn hóa. Các cơ sở giáo dục (CSGD) phổ thông đã thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh và công tác xã hội trong trường; tổ chức tốt các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, khuyến học khuyến tài, trao quà, học bổng cho học sinh giỏi và học sinh nghèo vượt khó… Đã có 80,58% trường học đạt chuẩn xanh – sạch – đẹp – an toàn, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thân thiện trong nhà trường. Đặc biệt, năm học 2022-2023, toàn ngành GD và ĐT đang đẩy mạnh triển khai xây dựng văn hóa học đường theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường và Công văn số 299/UBND-VP7 ngày 3-6-2022 của UBND tỉnh. Cụ thể, toàn ngành đang tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học. Rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục văn hóa học đường bảo đảm bám sát định hướng của Chương trình GDPT 2018 (về quy tắc ứng xử trong các CSGD; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; điều lệ các cấp học, quy chế đánh giá hạnh kiểm, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh…). Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; kết hợp giữa dạy chữ, dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ. Xây dựng các phong trào, mô hình văn hóa, văn nghệ, TDTT, rèn luyện sức khỏe, tinh thần cho học sinh trong các trường học, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho giáo viên, học sinh. Tăng cường phối hợp của gia đình – nhà trường – xã hội trong việc tuyên truyền, xây dựng văn hóa học đường gắn với xây dựng văn hóa gia đình. Phấn đấu thực hiện tốt phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, dạy và học”; hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022-2023; phấn đấu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỉnh ta tiếp tục đứng trong tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội./.
Bài và ảnh: Minh Thuận