Xây dựng văn hóa ứng xử trong thời hội nhập
Ứng xử văn hóa trong thời đại hội nhập đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố. (Ảnh minh họa).
Với lịch sử hơn 1.000 năm văn hiến khi nói về văn hóa ứng xử của người Hà Nội, hai chữ “thanh lịch” dường như đã được đóng đinh, định vị. Nét thanh lịch của người Hà Nội được biểu hiện khá rộng, cả về tâm hồn trí tuệ, ở sự tinh tế khéo léo trong giao tiếp và thị hiếu cảm thụ, hưởng thụ… Tuy nhiên, cùng với nhiều thay đổi, những nét thanh lịch này đang dần có sự biến đổi cả trong lời nói lẫn hành động. Không khó để tìm ra những hình ảnh không đẹp, đó là việc tự do không tuân thủ luật lệ giao thông, nói năng chưa văn hoá, thậm chí văng tục chửi thề nơi công cộng, phong cách ứng xử quá phóng khoáng hoặc tuỳ tiện, nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hoá…
Thậm chí ngay trong các sự kiện văn hóa, nhiều người ồn ào, la hét, quỳ trước thần tượng, nhưng lại không biết nói lời đơn giản như “cám ơn”, “xin lỗi”… Hay câu chuyện văn hóa ẩm thực – nét tinh túy của đất Hà thành đang bị vấy bẩn bởi một bộ phận nhà hàng mặc sức xả “bún mắng, cháo chửi” phục vụ “thượng đế”.
Cùng với đó với sự xô bồ cuộc sống đang khiến văn hoá giao thông đáng báo động, vào giờ tan tầm là người và xe máy mạnh ai nấy đi, ùn tắc, va quệt, xô xát, dù chỉ một va chạm nhỏ, người ta cũng dễ dàng nổi khùng… Rồi câu chuyện, người ta có thể xả rác ở bất cứ nơi nào, bất kỳ thời điểm nào mà họ cho là “tiện”; công viên cây xanh trở thành nơi bán hàng, bàn ghế ngổn ngang cản trở đường đi lối lại; ghế đá công viên thành “giường trời”; thản nhiên hút thuốc lá, gạt tàn địa điểm công cộng; khạc nhổ bất cứ chỗ nào; quảng cáo khoan cắt bê tông ở khắp nơi; bờ tường, cây xanh nhem nhuốc vì vẽ bậy, vẽ bẩn…
Có thể nói, quá trình đô thị hóa tạo ra tính vô danh của con người trong xã hội, kết hợp với xu hướng cá nhân hóa đang gia tăng bởi các nguyên nhân từ sự phổ biến của các phương tiện truyền thông mới như Internet, mạng xã hội hay quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đã khiến không ít người quan tâm đến mình nhiều hơn, sống ích kỷ hơn, từ đó tạo ra những vấn đề đối với văn hóa nước nhà. Không những vậy, sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới tạo ra hiệu ứng, thói quen, nhu cầu, lối sống mới… Đi cùng với đó là làn sóng của nền kinh tế chia sẻ đã khiến cho xã hội không vận động theo qui luật. Rõ ràng, chúng ta đang sống trong một xã hội khác trước rất nhiều. Những cách xử lý vấn đề, lối sống trước kia đôi khi không còn phù hợp, thậm chí có tác động ngược lại, cản trở sự phát triển. Cái mới chưa rõ ràng, cái cũ thì vẫn còn tồn tại dẫn đến tình trạng mất phương hướng trong nhiều lĩnh vực. Thế giới ảo bây giờ không còn ảo nữa mà nhiều khi thật hơn thế giới thật, và chi phối thế giới thật.
Cùng với đó, một tác nhân tạo nên sự thay đổi trong ứng xử văn hóa xuất phát từ trong gia đình và các tổ chức đoàn thể. Hiện nay, theo nhiều chuyên gia khái niệm “gia đình” đang chuyển từ gia đình mở rộng thành gia đình hạt nhân. Chính công việc bận rộn của bố mẹ ảnh hưởng đến giáo dục gia đình. Trong khi đó thì nhà trường cũng chưa thích nghi được với những thay đổi nhanh chóng của xã hội từ chuyển vị trí từ người thầy là trung tâm sang học trò làm trung tâm, từ giáo dục học thuộc lòng sang giáo dục sáng tạo. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể thì vẫn còn quán tính từ cơ chế bao cấp, chưa chủ động, tích cực; các hoạt động tổ chức cho thanh niên chưa trở thành hoạt động của thanh niên, khiến cho nhiều người cảm thấy “bơ vơ”…
Việc xây dựng ứng xử văn hóa trong thời hội nhập có thể nói là công việc vô cùng phức tạp, phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, triệt để thì mới có kết quả. Một hay một vài giải pháp đột phá thì khó giải quyết được vấn đề. Bởi hiện nay cái xấu đang tồn tại ở mức độ phổ biến trong xã hội đã hình thành một môi trường tiêu cực cho sự phát triển nhân cách con người. Chính vì thế, muốn có các chuẩn mực ứng xử văn hóa cần khắc phục bệnh dối trá, đạo đức giả, nói không đi đôi với làm. Bên cạnh đó, với thế hệ trẻ cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa. Trong gia đình, thực hiện tốt bộ qui tắc ứng xử đã được ban hành, xây dựng mô hình gia đình gia giáo, củng cố gia phong. Đối với nhà trường, ngành giáo dục cần đổi mới phương pháp, nội dung hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng đối với các tổ chức xã hội, tăng cường chất lượng hoạt động đoàn thể, tạo sân chơi bổ ích cho cho người dân.