Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học
Hội thảo “Văn hóa ứng xử trong trường học”. Ảnh: VGP/Nhật Nam.
Bộ GD&ĐT vừa phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức hội thảo “Văn hóa ứng xử trong trường học” nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, giai đoạn 2018-2025”.
Trong những năm qua Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các đoàn thể chính trị-xã hội đặc biệt quan tâm công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên, coi công tác này làm nền tảng trong việc giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ – thế hệ tương lai của đất nước.
Từ Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết 33/NQ-TW của Trung ương về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và gần đây nhất, Quyết định số 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” với mục tiêu “Tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.
Văn hóa ứng xử trong trường học là hệ giá trị, tư tưởng, nhận thức về quan hệ ứng xử giữa tất cả các thành viên trong nhà trường với các sự vật, hiện tượng xung quanh và với chính bản thân mỗi người, được thể hiện qua thái độ, hành vi, ngôn ngữ theo những chuẩn mực văn hóa, đạo đức được xã hội thừa nhận và được nhà trường quy định.
Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học sẽ tạo ra văn hóa học đường và động lực để hoàn thiện, phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống tốt đẹp của cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên.
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công tác chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh cho biết, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, các đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong những năm qua, cùng việc chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT đã quan tâm ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục thẩm mỹ cho nhà giáo, người học nhằm xây dựng môi trường sự phạm, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh.
Thời gian qua, tại nhiều cơ sở giáo dục đã phát động tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động lớn mang lại hiệu quả tích cực, như: “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện – Học sinh tích cực”, “Dân chủ – Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”; chú trọng giáo dục văn hóa ứng xử trong cán bộ, nhà giáo, nhân viên và học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường văn hóa học đường, bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học gắn với quản trị đại học; đồng thời, xây dựng thương hiệu, uy tín của nhà trường trong xã hội.
Có thể thấy hầu hết học sinh, sinh viên ứng xử có văn hóa, lễ phép, kính trọng thầy giáo, cô giáo, người lớn tuổi, sống trách nhiệm với gia đình; có lối sống đẹp, văn minh, lịch sự, có hành vi ứng xử văn minh, hợp tác, thân thiện, tương thân tương ái giúp đỡ nhau. Cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong trường gương mẫu, có thái độ, hành vi giao tiếp, ứng xử chuẩn mực; sử dụng ngôn ngữ, trang phục phù hợp, tôn trọng đồng nghiệp và cha mẹ học sinh. Nhiều thầy giáo, cô giáo là tấm gương sáng để học sinh, sinh viên noi theo; có nhiều tấm gương nhà giáo sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân, vì học sinh thân yêu…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông Linh cũng cho biết, thời gian vừa qua, ở một số địa phương, nhà trường, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, ứng xử thiếu văn hóa của học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên vẫn xảy ra. Một bộ phận học sinh, sinh viên ứng xử thiếu văn hóa, một số cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục chưa chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử, có hành vi và thái độ ứng xử thiếu kiềm chế, xúc phạm tinh thần, thể chất học sinh, bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non… Người đứng đầu các cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt vai trò nêu gương trong ứng xử văn hóa… Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn bất cập, chưa huy động được sức mạnh của các hội, đoàn thể tại địa phương; đặc biệt của gia đình học sinh…
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi thắng thắn, chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm sáng tạo, những vấn đề còn tồn tại trong văn hóa ứng xử, tập trung vào một số vấn đề, như: vai trò của văn hóa học đường đối với việc hình thành nhân cách học sinh, sinh viên; thực trạng và giải pháp trong xây dựng văn hóa học đường hiện nay; đổi mới nội dung, phương thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; phát huy vai trò của người đứng đầu trong hướng dẫn, thực hiện văn hóa ứng xử; công tác phối hợp của các tổ chức đoàn thể thông qua các phong trào thi đua, cuộc vận động của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội đồng Đội các cấp; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa học đường và văn hóa ứng xử.
Các đại biểu tham dự cũng đề xuất các giải pháp, kiến nghị để triển khai hiệu quả Đề án 1299; góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng việc xây dựng văn hoá học đường nói chung và văn hoá ứng xử trong nhà trường nói riêng, tạo ra sự thay đổi tích cực, đồng bộ về văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục thời gian tới đây.
Nhật Nam