Xây dựng văn hóa ứng xử với người cao tuổi trong gia đình hiện nay – smot

Xây dựng văn hóa ứng xử với người cao tuổi trong gia đình hiện nay

Nước ta được xếp vào nhóm mười nước có tốc độ dân số già hóa nhanh nhất thế giới. Hiện cả nước có gần 13 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 17% dân số cả nước, trong đó, khoảng gần 2 triệu người hơn 80 tuổi, theo dự báo đến năm 2030 và đến năm 2050 tỷ lệ này là 25%.

Trong bối cảnh dân số nước ta đang già hóa nhanh, lực lượng người cao tuổi sẽ còn tiếp tục tăng nhanh về số lượng và tỷ lệ tỷ trọng dân số. Song trên thực tế, người cao tuổi có vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, luôn luôn gương mẫu, giáo dục, dẫn dắt, định hướng hành vi cho thế hệ trẻ, gìn giữ, kết nối các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước trong nhiều giai đoạn lịch sử. Đặc biệt trong gia đình, người cao tuổi có công nuôi dạy, giáo dưỡng con cháu, giữ gìn, truyền thụ, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống. Đảng và nhà nước ta luôn coi trọng công tác chăm sóc, phát huy vai trò, vị trí người cao tuổi trong gia đình cũng như ngoài xã hội, bởi vây xây dựng văn hóa ứng xử với người cao tuổi trong gia đình hiện nay là trách nhiệm cần được sự quan tâm của toàn xã hội. Bài viết nhận diện về ứng xử văn hóa với người cao tuổi và một số định hướng về xây dựng văn hóa với người cao tuổi trong gia đình hiện nay.

Ứng xử văn hóa với người cao tuổi là nét đẹp văn hóa theo chuẩn mực “Kính trên, nhường dưới”, “kính lão, đắc thọ” vốn đã là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta từ trước đến nay. Tuy nhiên, hiện nay, trước những tác động tiêu cực của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước đang tiếp tục diễn biến đa dạng, phức tạp có tác động trực tiếp đến tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội và con người Việt Nam. Văn hóa gia đình cũng bị chi phối có những biến đổi sâu sắc về nhiều mặt do sự tác động tiêu cực từ mặt trái của thể chế kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, do đó công tác xây dựng đời sống văn hóa và văn hóa ứng xử của con người Việt Nam, văn hóa ứng xử đối với người cao tuổi trong giai đoạn mới là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, môi trường văn hóa lành mạnh trong tình hình hiện nay.

  1. Văn hóa ứng xử và đặc trưng của văn hóa ứng xử của người Việt Nam

Văn hóa ứng xử là hệ thống thái độ và hành vi của con người và cộng đồng để xử lý một cách hợp lý các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và với chính bản thân mình dựa theo các chuẩn mực xã hội. Văn hóa ứng xử đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong xây dựng văn hóa gia đình và gia đình văn hóa, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, tiến bộ, văn minh.

Đặc trưng văn hóa ứng xử của người Việt Nam: Đạo đức là gốc của văn hóa ứng xử; chuẩn mực xã hội là nguyên tắc định hướng, điều tiết văn hóa ứng xử; văn hóa ứng xử trực tiếp gắn với hệ thống giá trị tinh thần – văn hóa của con người. Nội dung của văn hóa ứng xử là tổng hòa các khuôn mẫu ứng xử được định hướng, điều tiết bởi các chuẩn mực xã hội.

Dưới sự tác động của các yếu tố lịch sử – văn hóa truyền thống, đặc trưng cốt cách của con người Việt Nam và những yếu tố biến đổi chính trị, kinh tế – xã hội và văn hóa, văn hóa ứng xử của người Việt Nam hiện nay là sự giao hòa giữa tính truyền thống với tính hiện đại, vừa mang tính dân tộc vừa mang tính quốc tế.Tuy vậy, về cơ bản, văn hóa ứng xử của người Việt Nam vẫn mang tính chất truyền thống, thể hiện một số đặc trưng cơ bản: Trọng tình, trọng nghĩa, lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử; tế nhị trong giao tiếp, ứng xử; sống nhân ái “thương người như thể thương thân”…

  1. Văn hóa ứng xử Người cao tuổi trong gia đình hiện nay

Trước hết, gia đình là nơi lưu giữ các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là môi trường đầu tiên hình thành đạo đức cho con người. Gia đình là nơi lưu giữ tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, trong gia đình, ông bà, cha mẹ phải thật sự mẫu mực, làm gương về đạo đức, yêu thương, chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Hiện nay, do sức ép về lao động, việc làm, sinh kế mưu sinh trong thời kỳ kinh tế thị trường, khiến cho không ít các bậc làm cha mẹ phải mải miết mưu sinh, rượt đuổi kiếm tiền, làm giàu về kinh tế nên ít quan tâm đến gia đình, dẫn đến một bộ phận gia đình đang bị khủng hoảng về hệ giá trị văn hóa gia đình: trẻ em ít được giáo dục, người già lâm vào tình trạng cô đơn, giá trị văn hóa gia đình truyền thống bị suy giảm, văn hóa ứng xử trong gia đình bị tổn thương, băng hoại. Nếu như trước đây, gia phong, gia đạo, gia lễ, gia hiếu, gia nghĩa được đặt lên hàng đầu thì ngày nay giá trị đạo đức văn hóa gia đình có phần bị buông lỏng, mai một.

Với đặc điểm của xã hội đang trong quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại, sự chuyển đổi các định hướng giá trị đó diễn ra theo nhiều hướng khác nhau, bao gồm cả những yếu tố tích cực và tiêu cực, có tác động đến toàn bộ nền văn hóa dân tộc nói chung, đến lối sống của các bộ phận, các cộng đồng dân cư nói riêng, trong đó có gia đình. Là một thiết chế xã hội cơ bản, cùng với làng và nước, gia đình Việt Nam đã trở thành một trong “ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt” (Phạm Văn Đồng). Trong bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, gia đình Việt Nam cũng đang chịu những tác động nhiều chiều, dẫn đến biến đổi không ít những giá trị văn hóa gia đình.

Trong các xã hội trước đây, tuổi tác có vai trò quan trọng trong mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng. Kính trọng người cao tuổi là nét đẹp truyền thống trong văn hóa Việt Nam. Đến nay, truyền thống quý báu này vẫn được gìn giữ. Tuy nhiên sự chuyển đổi của nhiều chuẩn mực giá trị xã hội khác dẫn đến vai trò của tuổi tác tuy vẫn quan trọng nhưng không còn được coi trọng như trước đây.

Nhiều giá trị văn hóa là niềm tự hào dân tộc trong suốt quá trình lịch sử, nay đang bị lung lay, thay đổi dữ dội trước nền kinh tế thị trường và những biến động xã hội. Thực tế hiện nay ở nước ta, nền kinh tế thị trường trong khi đang bổ sung thêm các giá trị mới về văn hóa pháp luật, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiêp vốn là những thiếu hụt trong văn hóa truyền thống và văn hóa xã hội chủ nghĩa thời bao cấp, thì đồng thời cũng làm biến dạng một số giá trị của văn hóa trước đó, biểu hiện rõ nhất là sự thương mại hóa trong cách nhìn nhận, đánh giá về các giá trị văn hóa. Trước đây chuẩn mức giá trị xã hội bao giờ cũng là những điều tốt đẹp, là giá trị đạo đức, nhưng hiện nay nền kinh tế thị trường đề cao lợi nhuận kinh tế có ích, đề cao giá trị hàng hoá, khi giá trị hàng hóa có xu hướng trở thành giá trị định hướng lấn át giá trị đạo đức sẽ dẫn tới sự phá vỡ những mối quan hệ truyền thống trong các cấu trúc gia đình, dòng họ, cộng đồng… vốn tồn tại lâu đời và bền chặt trước đây, thuần phong mỹ tục mất dần cùng với sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

Cùng với những biến đổi về mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, gia đình, thiết chế xã hội gần gũi nhất với mỗi con người, cũng đang diễn ra nhiều sự thay đổi. Trước hết là sự thay đổi quan niệm về các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, như “phúc” trong bộ ba giá trị phúc-lộc-thọ. Kéo theo nó là sự thay đổi về cấu trúc gia đình truyền thống. Gia đình hiện nay đang có sự thay đổi sâu sắc, quy mô hộ gia đình đang có xu hướng thu nhỏ lại với sự phát triển của gia đình hạt nhân, số con của mỗi cặp vợ chồng ít hơn. Lối sống công nghiệp với các điều kiện về thu nhập, chi tiêu, điều kiện nhà cửa, ý thức về tự do cá nhân…khiến cho mâu thuẫn giữa các thế hệ ngày càng gia tăng, vì vậy xu hướng hiện nay lớp trẻ sau kết hôn có xu hướng muốn tách ra ở riêng để tránh sự va chạm, xung đột. Số lượng gia đình hạt nhân (gia đình hai thế hệ: bố mẹ – con cái chưa trưởng thành) đang tăng lên một cách đáng kể, cả ở thành thị lẫn nông thôn khiến cho cấu trúc gia đình truyền thống đang trên đà bị giải thể, mai một mất dần. Ngay trong những gia đình hạt nhân cũng bị phá vỡ cấu trúc do hậu quả của chiến tranh trước đây, hậu quả của sự ly hôn đang ngày càng gia tăng hiện nay, tạo nên sự phân hóa giữa những gia đình hạt nhân đầy đủ và gia đình hạt nhân không đầy đủ, gia đình đơn thân (chỉ có mẹ – con, bố – con, ông bà – cháu…). Sự thay đổi cấu trúc gia đình ảnh hưởng mạnh đến mọi thế hệ, nhất là đối với người cao tuổi và trẻ em. Đối với người cao tuổi, sự thay đổi này làm tăng thêm gánh nặng tâm lý vốn có về sự cô đơn, buồn tẻ trong cuộc sống. Đối với trẻ em, nó tạo ra sự đứt gãy, rạn nứt trong mối quan hệ huyết thống tuyệt diệu, đó là tình cảm máu thịt giữa ông bà và các cháu, giữa cha mẹ và con cái… dẫn đến sự thiếu hụt trong việc giáo dục các thế hệ mai sau.

Với mỗi người Việt Nam, gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, song hiện nay quy mô gia đình hiện đại bị thu hẹp do có sự thay đổi nhận thức về giá trị gia đình: mọi sự thay đổi giá trị, đặc biệt là mọi sự tiếp nhận những thay đổi ấy đều mang tính hai mặt, cả mặt tốt lẫn mặt xấu, cả tích cực, lẫn tiêu cực. Do đó việc tiếp nhận những thay đổi định hướng giá trị trong gia đình cũng thay đổi, nhất là sự thay đổi trong cách nhìn nhận về giá trị hiếu lễ. Trước đây, trong xã hội phong kiến, chữ hiếu (với cha mẹ) và chữ trung (với vua) được coi là những giá trị song hành. Hiếu là giá trị cao nhất trong gia đình cũng như Trung là giá trị cao nhất đối với nước. Pháp luật nhà nước quy định tội bất hiếu được coi tương tự với tội bất trung. Trong gia đình truyền thống, giá trị hiếu lễ biểu hiện cụ thể ở thái độ kính trọng tuyệt đối của con cái đối với cha mẹ, của bề dưới đối với bề trên, đồng thời cũng thể hiện quyền quyết định tối cao của cha mẹ đối với mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. “Ngày nay, chữ hiếu được vận dụng sáng tạo hơn, không nặng nề như xưa mà chủ yếu là ở việc biết ơn cha mẹ, sự kính trọng và tình yêu thương chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ”. Do đó, cần thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng người cao tuổi như một thế hệ đã có nhiều công lao đối với đất nước và gia đình. Cần làm mọi cách để giảm đi sự cô đơn ở người cao tuổi, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội, tác động làm cho đời sống văn hóa tinh thần của người cao tuổi ngày càng được nâng cao.

Trong gia đình hiện nay, người cao tuổi vẫn được kính trọng nhưng không còn quyền lực tuyệt đối như xưa nữa. Việc giảm vai trò về nhiều mặt của người cao tuổi là tất yếu khách quan trong sự vận động phát triển của xã hội hiện đại, nhưng có biểu hiện đó là đang dần dần giảm vai trò của người cao tuổi trong gia đình dẫn đến ý thức coi thường cha mẹ, ông bà, thậm chí có khi dẫn đến thái độ vô lễ và bất hiếu bất nghĩa. Đang có sự thiếu hụt những giá trị văn hóa gia đình truyền thống đó là tính dân chủ, sự bình đẳng tôn trọng, sự yêu thương chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Ngày nay tính dân chủ và sự bình đẳng một mặt tạo nên mối quan hệ thân mật giữa các thế hệ và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ biết phát huy mọi khả năng sáng tạo của mình, mặt khác, cùng với kinh tế thị trường, nó khiến cho quan hệ trong gia đình mang tính chất tính toán sòng phẳng. Không ít trường hợp cha mẹ già vô tình và nghiễm nhiên trở thành người giúp việc không công cho con cái, thậm chí có khi còn bị đối xử tệ bạc, thô bạo như người đi ở. Mặt trái của kinh tế thị trường cũng làm cho nhiều giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp bị băng hoại, mai một. Tính cố kết gia đình bị giảm sút, các mối quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn cùng với việc cái tôi cá nhân được đề cao và tư tưởng thực dụng, coi trọng vật chất là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng xuống cấp, băng hoại về đạo đức, suy thoái về lối sống, gây rạn nứt đứt gãy mối quan hệ gia đình như thể hiện sự bất hiếu, vô lễ bỏ bê không chăm sóc cha mẹ khi về già, anh em tranh giành tài sản, chia rẽ lẫn nhau, vợ chồng bạo hành nhau về thể xác và tinh thần… Sự bất ổn của thiết chế gia đình và sự xuống cấp của văn hóa gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gây mất ổn định xã hội, là nguyên nhân dẫn tới các tiêu cực xã hội như trẻ em hư hỏng, tệ nạn xã hội gia tăng, hiện tượng ngoại tình, ly thân, ly hôn, đặc biệt là ly hôn giữa những cặp vợ chồng trẻ đang xảy ra ngày càng nhiều… Gia đình không còn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho mỗi người trong cuộc sống, văn hóa ứng xử với người cao tuổi bị lung lay, phá vỡ nhiều yếu tố văn hóa truyền thống dẫn đến bị tổn thương. Chính vì vậy đã nảy sinh hiện tượng một bộ phận người cao tuổi thiếu sự chăm sóc của con cháu, sống cô đơn không nơi nương tựa.

Với đạo lý nhân văn, Đảng và Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh người cao tuổi (năm 2000), sau đó sửa đổi bổ sung nâng thành Luật Người cao tuổi (năm 2009). Luật Người cao tuổi là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ toàn diện cho người cao tuổi, song xét trên góc độ văn hóa, văn hóa ứng xử người cao tuổi trong gia đình trong mọi thời kỳ vẫn giữ vai trò quan trọng để củng cố và xây dựng văn hóa gia đình. Do vậy, xây dựng văn hóa ứng xử với người cao tuổi trong gia đình là trách nhiệm không chỉ của gia đình mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Xây dựng văn hóa ứng xử đối với người cao tuổi trong giai đoạn mới là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống trong tình hình hiện nay.

  1. Định hướng một số chuẩn mực văn hóa ứng xử với Người cao tuổi

Hiện nay lực lượng người cao tuổi ở nước ta chiếm số lượng lớn, để xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình, vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử cho người cao tuổi là nội dung quan trọng. Xét trên mối quan hệ giữa giá trị văn hóa gia đình truyền thống và văn hóa gia đình trong xã hội hiện đại và phát triển, văn hóa ứng xử người cao tuổi trong gia đình được hình thành, xây dựng và thực hiện dựa trên các chuẩn mực chủ yếu sau:

– Dựa trên truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc Việt Nam: tôn trọng gia phong, gia đạo, gia lễ, gia hiếu, gia nghĩa: Gia đình truyền thống Việt Nam xưa rất chú trọng xây dựng gia phong, gia đạo, gia lễ, gia hiếu, gia nghĩa, trong đó gia đạo là sức mạnh của gia đình. Gia đạo là đạo đức của gia đình như đạo ông bà, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em. Gia lễ là phép ứng xử của con người theo một nguyên tắc có tôn ti trật tự theo lễ tiết, đặc biệt là việc thờ cúng tổ tiên, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh. Gia hiếu là đạo hiếu, là hiếu nghĩa của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Gia nghĩa là sự kính trọng, sống có nghĩa có tình của người dưới đối với người trên, Ở thời đại nào văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội, văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn bản lĩnh cho con người trong từng tế bào của xã hội. Bởi vậy gia đình tốt là bảo đảm cho dân giàu, nước mạnh, giữ cho xã hội lành mạnh và văn minh.

– Lấy truyền thống coi trọng nghĩa tình làm chuẩn mực: Trong quan hệ gia đình, cha mẹ lo cho con khi còn nhỏ, con cái có trách nhiệm lo cho cha mẹ khi già yếu, bệnh tật. Anh em trong nhà thì xem “như chân với tay”, “anh thuận, em hoà là nhà có phúc”. Con cháu luôn biết ơn, tôn kính bề trên như tôn kính cha mẹ mình và biết “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”.

– Tôn trọng truyền thống khoan dung, nhân đạo, vị tha cao cả

Người Việt Nam quan niệm nhân nghĩa là lẽ sống ở đời, “là báu vật” của cuộc đời, vì vậy, phải giữ nhân nghĩa như giữ báu vật, có nghĩa là: coi “Nhân nghĩa là báu vật của cuộc đời, phải giữ gìn, không bao giờ thay đổi”. Tinh thần nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam là cơ sở cho lòng bao dung ngày càng rộng mở trong đời sống cộng đồng, nó bao hàm cả tấm lòng vị tha, khoan dung cao cả.

Văn hóa ứng xử của người cao tuổi phải được xây dựng trên cơ sở kế thừa truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc Việt Nam, bám sát đường lối văn hóa của Đảng, Nhà nước và dựa trên đạo đức và chủ nghĩa nhân đạo cao cả. Để xây dựng văn hóa ứng xử với người cao tuổi, cần thực hiện một số tiêu chí sau:

  1. Kính trên, nhường dưới
  2. Kính trọng, lễ phép
  3. Hiếu thảo
  4. Quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng thường xuyên
  5. Chăm lo đời sống vật chật và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần

Để thực hiện hài hòa tiêu chí văn hóa ứng xử với người cao tuổi trong gia đình và xã hội, bản thân người cao tuổi phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành quy tắc cộng đồng, phong tục, tập quán, văn hóa, nội quy, quy chế và gương mẫu tham gia các phong trào ở địa phương nơi cư trú; động viên con cháu trong gia đình gương mẫu thực hiện các phong trào thi đua của địa phương và trong sinh hoạt cộng đồng; luôn gần gũi, chia sẻ, đoàn kết, giúp đỡ hàng xóm, láng giềng trong cuộc sống. Đặc biệt tránh các thái độ, hành vi: Sống khép mình, không quan tâm, không tham gia vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương nơi cư trú; không quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ những người xung quanh; bản thân và gia đình không tôn trọng thuần phong mỹ tục, tập quán, truyền thống văn hóa, nội quy, quy chế của địa phương và quy tắc sinh hoạt của cộng đồng.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, gia đình hiện nay đang đứng trước những thách thức to lớn trước sự chuyển đổi định hướng giá trị văn hóa gia đình. Nhiều giá trị cũ lạc hậu không còn phù hợp chưa mất hẳn, song có những giá trị truyền thống tốt đẹp lại bị mai một, bên cạnh đó nhiều giá trị mới được sinh ra hoặc du nhập từ bên ngoài cần có thời gian để định hình phù hợp với văn hóa gia đình Việt Nam trong xã hội phát triển hiên nay. Đứng trước thực tế đó không ít người đang có xu hướng quay trở lại với gia đình truyền thống, các giá trị văn hóa gia đình truyền thống một thời gian dài bị coi nhẹ, nay lại được đề cao. Lối sống, nếp sống nề nếp, gia giáo, gia phong một thời bị gạt đi vì cho là lệ thuộc tư tưởng Nho giáo, phong kiến lạc hậu cổ hủ, ngày nay lại được tôn trọng, đề cao. Bởi vậy, nội dung xây dựng văn hóa ứng xử với Người cao tuổi trong gia đình trong bối cảnh hiện nay cần phải kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống với giá trị hiện đại, biết loại bỏ những yếu tố lỗi thời lạc hậu, giữ lấy những gì là tinh hoa, bản sắc, đồng thời tăng cường giao lưu văn hóa với quốc tế để tiếp nhận những giá trị văn hóa mới phù hợp trong xã hội phát triển. Có như vậy mới khắc phục được những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế tác động chi phối làm biến đổi văn hóa gia đình nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung./.

                                                              

Tài liệu tham khảo

  1. Lê Thị Bừng (2007), Tâm lý học ứng xử, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  2. Nguyễn Viết Chức (chủ biên) (2002), Văn hóa ứng xử của người Hà Nội với môi trường thiên nhiên, Viện văn hóa, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  3. Nghiêm Thu Nga (2014), Một số biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, Tạp chí Cộng sản, tháng11/2014, Hà Nội.
  4. Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Nguyễn Tất Thịnh (2006), Bàn về văn hóa ứng xử của người Việt Nam, Nxb. Phụ Nữ, Hà Nội.
  6. Nguyễn Thanh Tuấn (2008), Văn hóa ứng xử Việt Nam hiện nay, Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
  7. Lê Ngọc Văn (2011), Văn hóa gia đình, Tạp chí Nghiên cứu gia đình và giới, Hà Nội.

                                                                                                                                                                                                                             Trần Thị Tuyết Mai

                                                                                                                                                                                                                              Viện Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội