Xây dựng video bài giảng trực tuyến cho học phần “Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo đức Kinh doanh”

“Một trong những ý tưởng chính khi xây video này là đảm bảo sinh viên theo dõi và vẫn có hoạt động tương tác với giảng viên” là chia sẻ của cô Nguyễn Thu Thảo, giảng viên tại Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN. Xây dựng video bài giảng nhanh chóng và đơn giản bằng cách quay video trong Power Point giúp tiết kiệm được tương đối thời gian, từ lúc lên kịch bản, ghi hình và hậu kỳ, một video bài giảng (khoảng 15’) có thể được hoàn thiện trong khoảng 03 tiếng đồng hồ. Để tăng tính tương tác cho bài giảng, giảng viên sử dụng kết hợp các công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến. Video bài giảng được xây dựng thuộc học phần “Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo đức Kinh doanh” và được tổ chức nội dung trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến của ĐHGQHN (VNU LMS).

  1. Tên sản phẩm (SP 10): Xây dựng video bài giảng trực tuyến cho học phần “Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo đức Kinh doanh”
  2. Hạng mục dự thi: Hạng mục 2 – Xây dựng video bài giảng xuất sắc nhất (Best Practices in Creating Video Lessons for Online Learning).
  3. Tác giả: Nguyễn Thu Thảo, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN
  4. Mô tả hoạt động thực hành xuất sắc:
    • Căn cứ thực hiện:

Đề cương môn học Văn hóa doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh, thuộc Viện Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

  • Bối cảnh thực hiện:

Video này được sử dụng để hướng dẫn SV cấu trúc chương học mới và nội dung Mô hình Văn hóa doanh nghiệp Quinn & Cameron. Qua các hoạt động tương tác, và link truy cập video dạng mở (Youtube), SV có thể tiếp cận kiến thức một cách chủ động và vẫn có bài tập để tự tìm hiểu thêm. GV đóng vai trò đồng hành trong việc cung cấp kiến thức nền tảng và hướng dẫn SV thảo luận, tiếp thu kiến thức thông qua bài test kiến thức có tính tương tác cao. Câu trả lời của SV được ghi nhận lại, giúp GV có thể đối chiếu và hiểu thêm tình trạng, khả năng nắm bắt kiến thức của SV.

Video có thể upload trên LMS (nền tảng đóng) dưới dạng video bài giảng. Đi kèm với video bài giảng, GV sẽ upload thêm slide (với link truy cập vào video minh họa) và bài đọc thêm.

  • Nội dung thực hiện

Video được xây dựng từ nguồn Slide đã chuẩn bị trước từ đầu năm học, với nội dung chính là (1) Ôn tập, kiểm tra nhanh kiến thức chương 1; (2) Giới thiệu tổng quan mục lục chương 2; (3) Tìm hiểu mô hình VHDN Quinn & Cameron.

Dựa trên khung slide, GV phát triển thêm các nội dung để tăng tính tương tác, như test kiến thức qua Peardeck, Kahoot! hay chèn thêm Youtube video với link truy cập để SV dành thời gian theo dõi và tìm hiểu thêm.

Sau khi đã quen với việc sử dụng slide và nội dung, GV dùng chức năng Recording trong PowerPoint để thu tiếng và tạo nên video bài giảng. Bên cạnh bài giảng, GV còn sử dụng thêm chức năng Record màn hình trong Powerpoint để thực hiện 1 video clip nhỏ hướng dẫn SV cách trả lời trên nền tảng Peardeck.

Việc phát triển nội dung Video trên Slide sẵn có giúp tiết kiệm được tương đối thời gian. Từ lúc lên kịch bản, ghi hình và hậu kỳ, video bài giảng (khoảng 15’) được hoàn thiện trong khoảng 03 tiếng đồng hồ.

  • Kết quả thực hiện:
  • 00:00:00- 00:02:00: Hướng dẫn SV cách truy cập Peardeck để kiểm tra nhanh kiến thức chương trước
  • 00:02:01- 00:12:50: Giảng dạy nội dung bài học
  • 00:12:56- 00:14:16: Tổng kết nội dung bài học
  • 00:14:16- hết: Kiểm tra nhanh khả năng nắm bắt bài học qua Kahoot! và thảo luận 01 video về văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản.
  1. Mô tả các ưu điểm và tác động tích cực của thực hành xuất sắc tham gia dự thi.
    • Các khía cạnh đổi mới so với thực hành tương ứng theo phương thức truyền thống
  • Tính truy cập

Thay vì phải hiện diện trong một lớp học trực tiếp, SV có thể dễ dàng truy cập link video bài giảng trên nền tảng chia sẻ (như LMS hay folder quản lý bởi giáo viên). Việc truy cập dễ dàng sẽ giúp SV giảm thiểu bớt những khả năng bỏ lỡ kiến thức quan trọng; và cũng tạo thêm sự linh hoạt trong không gian, thời gian học tập. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của xã hội, đặc biệt, khi công nghệ ngày càng phát huy vai trò trở thành phương tiện hỗ trợ người học tiếp cận kiến thức mới.

Việc áp dụng video bài giảng tại ĐHQGHN sẽ mở ra cơ hội học tập cho SV trên khắp các tỉnh thành Việt Nam, mà không bắt buộc sự hiện diện của họ toàn thời gian ở Hà Nội. Điều này sẽ giảm bớt áp lực về sự di chuyển tới các thành phố lớn và tạo điều kiện cho các địa phương phát triển nguồn nhân lực trên chính quê hương của mình.

Bên cạnh đó, cho phép học tập qua video chuẩn bị sẵn cũng là cách đào tạo cho SV năng lực, kỹ năng và thái độ cần thiết trong việc chủ động học tập. Với nhu cầu rất lớn về nhân lực làm việc từ xa, các công ty sẽ ngày càng chú trọng việc SV ra trường có đủ khả năng sử dụng công nghệ và truy cập được các phương án làm việc từ xa đề xuất bởi công ty.

  • Tính tích hợp

Khi tham gia lớp học trực tiếp, rất nhiều khả năng SV có thể được tiếp cận với các bài kiểm tra và slide chương trình. Tuy nhiên, mỗi SV có tốc độ học tập và năng lực khác nhau, dẫn đến những sự khác biệt trong việc tiếp cận các hình thức học tập trên lớp. Ví dụ như, có một vài hoạt động SV có thể phản ứng nhanh nhạy, nhưng một số hoạt động khác thì không.

Qua video bài giảng được xây dựng, SV vẫn tiếp cận đầy đủ các hoạt động trên lớp mà không cảm thấy có sự ngắt quãng nào. Họ có thể tự kiểm soát thời gian và hoạt động tham gia bằng cách tạm dừng hay có quãng nghỉ trong việc theo dõi bài giảng, xem video hoặc cứu bài đọc riêng. Tất cả đều được tích hợp trong video và tài liệu hỗ trợ video này.

  • Sự phù hợp với tiếp cận giáo dục kết hợp (blended learning) và giáo dục đáp ứng chuẩn đầu ra (outcome-based education):

Việc xây dựng video này không chỉ hữu ích trong quá trình giảng dạy online (trong bối cảnh Covid), mà còn là nguồn tài liệu tốt cho quá trình blended-learning (kết hợp giảng dạy online và offline). Trong thời kỳ công nghệ số, SV nên được tiếp cận đa dạng các công cụ, phương pháp kỹ thuật số để tăng tính hiệu quả trong việc tiếp thu kiến thức. Việc dạy học không nên chỉ dừng ở lắng nghe, mà còn cần có sự đối chiếu, phản biện và thảo luận mang tính thực tiễn cao với những nội dung đề cập trong lớp học.

Video bài giảng đã đáp ứng chuẩn đầu ra theo các tiêu chí:

Về kiến thức

Giải thích được nội hàm của mô hình văn hóa doanh nghiệp, các giá trị, chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh.

Có khả năng áp dụng các mô hình, hệ thống lý thuyết của học phần vào xem xét mức độ đầy đủ, hoàn thiện của một hệ thống văn hóa doanh nghiệp, chương trình thực hành đạo đức của một công ty.

Về kỹ năng

Các kỹ năng cá nhân: Có kỹ năng làm việc độc lập, hợp tác làm việc theo nhóm; biết thích nghi và quản lý sự thay đổi.

Về phẩm chất đạo đức

Có ý thức tự giác, rèn luyện đạo đức cá nhân, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa kinh doanh; biết cách ứng xử có văn hóa và đạo đức phù hợp với môi trường hoàn cảnh. Chủ động vận dụng lý thuyết và nghiên cứu tài liệu để hoàn thành các bài tập và xử lý các tình huống trên lớp.

  • Tính hiệu quả:

Một trong những ý tưởng chính khi xây video này là đảm bảo SV theo dõi và vẫn có hoạt động tương tác với GV. Về nội dung, slide được xây dựng dựa trên Đề cương đã ban hành của Trường ĐHKT; về tính thẩm mỹ, slide sử dụng thêm các hiệu ứng đồ họa, các định dạng như video clip, hình ảnh để tăng tính sinh động và hấp dẫn cho bài giảng. Để đảm bảo SV có theo dõi video và tích cực, chủ động trong việc học tập, GV dùng thêm Peardeck-một công cụ có tính tương tác cao, giúp ghi nhận phản hồi của SV.

  • Sự tương tác

Một trong những lo lắng lớn nhất của GV khi không thể trực tiếp giảng dạy trên lớp đó là sự tương tác với SV. Nỗi lo này đã phần nào được giải quyết thông qua việc kết hợp slide và các hoạt động kiểm tra, tương tác và thảo luận. Bằng việc SV trả lời qua hai nền tảng này với kết quả được lưu lại, GV có thể xem được kết quả học tập và tạo ra những điều chỉnh phù hợp. SV cũng cảm thấy tương tác dễ chịu hơn, khi kết quả của mình không bị đem ra trình chiếu trước cả lớp.

  • Độ dài thời gian

Tuy video chỉ dài 15’ nhưng đã bao hàm các nội dung tương đương 1 tiết học. Điều này thể hiện vai trò của người GV là người dẫn dắt, còn SV là người chủ động trong chương trình đào tạo. SV có thể tùy chỉnh thời gian và khối lượng học tập cho phù hợp, trên tiêu chí là hoàn thiện hết nội dung, thực hiện kiểm tra kiến thức trên Kahoot! và tham gia thảo luận về tình huống về VHDN của một doanh nghiệp (Uniqlo).

  • Những tác động tích cực tới việc tổ chức giảng dạy học phần.

Lấy tiêu chí đặt người học là trọng tâm, việc xây dựng video bài giảng áp dụng phương pháp lớp học đảo ngược- nơi SV đóng vai trò chính. Ở đó, dưới tư cách người hướng dẫn, GV có thể chuẩn bị sẵn nội dung kịch bản lớp học và bố trí sắp xếp các nội dung một tiết học phù hợp với năng lực của SV. Ngược lại, SV tham gia với vai trò là người chủ động trong cách tiếp cận, tương tác, quản lý thời gian và tự học trên nền tảng tích hợp.

Các video tuy mất tương đối thời gian chuẩn bị, từ việc lên kịch bản, quay video và hậu kỳ, nhưng có thể tái sử dụng trong các lớp học khác nhau.Việc này sẽ giúp GV có được nguồn tư liệu chuẩn mực, với tiêu chí là các video được xây dựng bài bản, và không có khác biệt trong truyền tải nội dung tới các lớp học khác nhau.

Việc áp dụng video có thể sử dụng trong lớp học trực tuyến hoặc kết hợp (blended learning). Trong lớp học kết hợp, GV có thể tổ chức các hoạt động trên lớp và hướng dẫn SV xem trước kiến thức qua đường link video hoặc truy cập video để làm bài tập.

Cô Nguyễn Thu Thảo, giảng viên Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN tại Lễ trao giải Giải thưởng Đổi mới giảng dạy ĐHQGHN năm 2021 diễn ra tại Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy ngày 19/01/2022

Video bài giảng thuộc 1 tiết học trong học phần Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh. Học phần này đã được hoàn thiện trên nền tảng LMS với link truy cập như sau: https://lms.vnu.edu.vn/learn/lop-hoc/chi-tiet/6a8c3b29-55e2-479b-a506-f27d2a0db8bc

 

Thầy cô tham khảo video bài giảng tại đây.

INFEQA-CTE Media

Mục lục bài viết

Share this:

Like this:

Like

Loading…