Xem lại cảnh ngày Tết của gia đình trung lưu thời bao cấp
(Dân trí) – Máy khâu con bướm, xe đạp Thống nhất, ấm chén hoa hồng, rượu chanh và mâm ngũ quả… là không gian Tết của một gia đình trung lưu thời bao cấp vừa được tái hiện tại bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
Không gian Tết của gia đình trung lưu thời bao cấp
Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã tái hiện lại không khí Tết của một gia đình trung lưu thời bao cấp với nhiều hiện vật để du khách tham quan.
Toàn bộ những hiện vật về đời sống thời bao cấp được trưng bày do người dân tặng và một số hiện vật do các nhân viên Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa tái hiện lại. Trong đó, có 3 khu vực chính bao gồm phòng khách, gian bếp và cửa hàng mậu dịch để du khách tham quan.
Khu vực phòng khách được bài trí, mô tả lại đời sống ngày Tết của một gia đình trung lưu. Chính giữa phòng khách là bộ bàn ghế gỗ, trên kệ gỗ là mâm ngũ quả, cành đào, ti vi trắng đen, bánh chưng và rượu chanh, mứt tết…
Trên bức tường ở phía chính diện căn nhà là bức ảnh Bác Hồ, hai bên là Huân chương Độc Lập và Bằng Tổ Quốc ghi công.
Trong thời bao cấp, do điều kiện kinh tế khó khăn, phòng ngủ thường được bố trí cạnh khu vực tiếp khách, ngăn cách bởi một chiếc ri-đô. Phòng ngủ gồm chiếc giường cưới có chiếu cói, gối đôi thêu con công, chăn hoa, quạt tai voi… Cạnh giường cưới là chiếc máy khâu con bướm và bàn đọc sách, báo.
Thời kỳ bao cấp, xe đạp không chỉ là phương tiện giao thông cá nhân mà còn là vật sở hữu, là tài sản giá trị của gia đình. Ngày ấy, không phải ai cũng có quyền lợi, cơ hội để mua xe đạp. Mỗi chiếc xe đạp sau khi mua phải đi đăng ký, thậm chí có cả biển số được ngành công an quản lý chặt chẽ. Ngoài thẻ đăng ký, chủ sở hữu còn phải có thêm sổ mua phụ tùng. Những chiếc xe đạp được mua ngoài chợ đen với giá rất cao.
Bếp dầu Thăng Long, ấm nhôm, bếp điện tại gian bếp.
Cửa hàng mậu dịch được xem là điểm nhấn trong không gian trưng bày. Theo ông Trịnh Đình Dương – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, trong thời bao cấp, để có được những nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày, nhiều gia đình phải huy động các thành viên trong nhà dậy thật sớm để đi xếp hàng. Nếu đang xếp hàng mà có việc rời khỏi vị trí, người ta thường dùng viên gạch đặt đánh dấu để… giữ chỗ. Người dân đi chợ bằng tem phiếu, sổ mua lương thực…
“Để tái hiện lại khung cảnh quầy mậu dịch, đơn vị đã tổ chức trưng bày, tái hiện về đời sống thời bao cấp, qua đó giúp người dân, khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử quan trọng, biết trân trọng, giữ gìn những thành quả to lớn của công cuộc đổi mới đất nước”, ông Dương cho biết.
Một không gian đón Tết tập thể được bài trí bắt mắt cho khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Bộ tách chén hoa hồng dùng để pha trà tiếp khách.
Đến tham quan, người dân và du khách còn được quay về ký ức tuổi thơ qua trò chơi ô ăn quan, trải nghiệm giã gạo bằng cối đá…
Là người đã từng sống và trải qua những khó khăn trong thời bao cấp, ông Nguyễn Văn Khoan (79 tuổi, khách tham quan) chia sẻ: “Đến đây tôi như trở về với ký ức thời bao cấp. Tôi nhớ nhất về quầy mậu dịch với những lần xếp hàng đợi mua thực phẩm đón Tết. Có đợt xếp hàng cả ngày nhưng không mua được gì vì hết hàng, đó là một thời kỳ rất khó khăn và vất vả”.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Ngôn, với những người sinh ra trước đổi mới (1986), thời bao cấp đã in dấu ấn hết sức sâu đậm. Đây là thời kỳ vô cùng gian khó nhưng cũng rất đỗi hào hùng, chứng minh sự nỗ lực và cần cù của người Việt Nam. Trong thời bao cấp gian khó đó, thì Tết của người dân có nhiều thiếu thốn, nhưng cũng rất vui tươi. Nó đọng lại cho mỗi con người thời bấy giờ một ký ức khó quên. Cái đáng nói nhất của con người thời kỳ này là ý chí quyết tâm, nghị lực để vượt qua. Đây là một thế hệ biết chịu đựng, cùng kham khổ, chia sẻ, trạng thái của con người bình đẳng như nhau.