Xu hướng du lịch biển đảo – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

Xu hướng du lịch biển đảo

Trung Châu

Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Ngành du lịch Việt Nam trong thời gian gần đây có nhiều nỗ lực trong việc tận dụng ưu thế về biển, đảo để phát triển du lịch. Bên cạnh một số kết quả khả quan, vẫn còn nhiều vấn đề mà người làm du lịch đang băn khoăn…

Thiên nhiên thuận lợi

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL), du lịch biển đảo của Việt Nam chiếm khoảng 70% doanh thu của ngành du lịch và được xem là một trong năm hướng đột phá về phát triển kinh tế biển và ven biển. Du lịch biển, đảo đang trở thành một chiến lược phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Để khai thác được tiềm năng và thế mạnh của du lịch biển, đảo, TCDL đang trình Chính phủ phê duyệt đề án phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có chiến lược thúc đẩy du lịch biển, đảo phát triển và hướng đột phá trong 10 năm tới.

Chương trình hành động về phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020. Trong mỗi giai đoạn sẽ có các chương trình hành động cụ thể như nâng cao nhận thức xã hội về du lịch biển, điều tra tổng hợp về tài nguyên du lịch biển, đầu tư hạ tầng du lịch biển, xây dựng các sản phẩm du lịch biển đặc thù, xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá du lịch biển, hợp tác quốc tế về phát triển du lịch biển, triển khai dự án rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch biển và dự án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch biển Việt Nam đến năm 2020.

Năm du lịch quốc gia với chủ đề biển, đảo vừa khai mạc ở tỉnh Phú Yên và diễn ra tại tám tỉnh, thành ven biển miền Trung đến hết năm 2011 là cột mốc quan trọng để thực hiện những dự án này, ông Cường cho biết thêm.

Các doanh nghiệp trong ngành du lịch (chủ yếu là khai thác resort và lữ hành) gần đây đã nhận ra những xu hướng mới và đã có những thay đổi phù hợp để khai thác các tiềm năng về biển, đảo hiệu quả hơn.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, cho biết nếu trước đây các khu du lịch 4-5 sao, nhất là tại các vùng biển, đảo chỉ dành cho khách nước ngoài, thì nay lượng khách Việt Nam đã tăng đáng kể. Các công ty lớn của Việt Nam hiện có xu hướng thuê công ty du lịch tổ chức hội nghị khách hàng, họp mặt nhân viên, tổng kết cuối năm, hội họp ở các khu du lịch biển 4-5 sao khá nhiều, đặc biệt là ở những nơi gần các điểm tham quan như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Mũi Né.

Năm 2010 và đầu năm 2011, Công ty Vòng Tròn Việt đã phục vụ một số đoàn 200-300 khách như vậy ở Đà Nẵng và Hội An (kết hợp tổ chức tiệc trong khu phố cổ). “Tôi cho rằng đây là một tín hiệu tốt cho các khu du lịch, vì lượng khách nội địa luôn dồi dào. Họ đi du lịch nhiều vào mùa thấp điểm của du khách nước ngoài đến nước ta, nên giúp cho các khu du lịch kinh doanh đều hơn trong năm”, ông Huê nói. “Khách nước ngoài vẫn ưa chuộng đến các khu du lịch cao cấp ở Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc”.

Theo đại diện Công ty Lữ hành Vietravel, trước đây Vũng Tàu, Nha Trang là những lựa chọn hàng đầu của khách trong nước thì nay nhiều điểm đến khác như Phú Quốc, Côn Đảo, Hội An… được lựa chọn khá nhiều.

Một trong những dịch vụ thu hút khách du lịch biển đảo rộ lên trong thời gian gần đây là tham quan các đảo bằng trực thăng. Khoảng năm 2007-2008, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và một số địa phương ở phía Bắc đã thử khai thác dịch vụ này. Tuy nhiên, hiệu quả của dịch không cao do nhu cầu chưa nhiều, chi phí đắt đỏ và dịch vụ bay không thuận lợi. Thời gian gần đây, dịch vụ này lại rộ lên vì nhu cầu đã có và dịch vụ bay đã thông thoáng hơn.

Sự gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao như du khách Mỹ, châu Âu, đặc biệt là du khách Hàn Quốc, Nhật Bản qua các chuyến bay trực tiếp đến Đà Nẵng trong thời gian gần đây là một trong những động lực chính cho xu hướng này.

Đi tiên phong trong vấn đề này, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam đã phối hợp với Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam (Vitours) thực hiện tour du lịch bằng máy bay trực thăng MI 172 với 24 chỗ ngồi và máy bay EC 155B1 có 12 chỗ. Với dịch vụ này, du khách có thể tham quan thành phố Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và Cù Lao Chàm từ trên không.

Theo đại diện Vitours, một chuyến bay ngắn trong vòng một buổi sẽ bao gồm ăn uống nhẹ, chụp ảnh lưu niệm, dịch vụ y tế và cứu hộ. Nếu thành công, Vitours sẽ mở rộng khai thác dịch vụ này tại các đảo từ Bắc chí Nam.

Những vẫn đề cần khắc phục

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường, cùng một số đại diện doanh nghiệp du lịch, tuy “giàu có” như vậy nhưng tiềm năng du lịch biển, đảo Việt Nam vẫn không được khai thác tốt. Chính vì thế mà du lịch biển, đảo cũng chịu cảnh khó khăn chung của ngành du lịch.

Bên cạnh những điểm du lịch quen thuộc lâu nay, những nơi du khách không còn muốn đến nhiều vì sự xô bồ, những khu du lịch biển, đảo khách cũng chỉ đến một, hai lần rồi thôi. Ông Huê cho biết nhu cầu khách đi biển vào dịp cuối tuần tăng rất cao, các trung tâm du lịch biển đều quá tải. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là dịch vụ ở các nơi này thiếu, yếu và ít dịch vụ bổ trợ cho khách vui chơi, mua sắm… Một số vùng biển còn tiềm năng lớn nhưng rất khó đưa khách đến với số lượng đông như Hà Tiên, Hòn Chông và Phú Quốc (thuộc tỉnh Kiên Giang) do thiếu hạ tầng, dịch vụ hoặc đường bay.

An ninh trật tự và quản lý giá cũng là những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp du lịch bức xúc. Rất nhiều khu du lịch lên giá vào giờ chót, làm cho khách bất bình. “Giá có thể cao vào những ngày cao điểm nhưng không nên vượt quá 50% so với ngày thường và điều này cần được thông báo trước cho khách cũng như các công ty lữ hành”, ông Huê nói. Ông cho rằng chính quyền địa phương cần dành thêm các bãi tắm công cộng cho những du khách không có nhu cầu ở resort nhưng vẫn muốn tắm biển. Làm được vậy thì các khách sạn không nằm gần bãi biển sẽ cùng góp phần vào việc thu hút khách đến với biển đảo.

Trong khi đó, theo đại diện Vietravel, để thành công trong việc phát triển du lịch biển đảo, những hành động, chiến lược của TCDL không chỉ dừng lại ở năm du lịch biển đảo 2011 mà nên kéo dài ít nhất ba năm. Trong đó mỗi tỉnh cần có chiến lược phát triển lợi thế của mình với những đặc thù riêng trong tổng thể chiến lược chung.

Quan trọng là xác định đối tượng phục vụ, tăng cường khả năng quảng bá xúc tiến trong khu vực và quốc tế, thông qua sự ủng hộ của các kênh truyền thông trong nước, kế đến là tổ chức chương trình cho các công ty lữ hành nước ngoài đến tìm hiểu tiềm năng du lịch biển đảo Việt Nam, tạo điều kiện để các đoàn làm phim nước ngoài giới thiệu vẻ đẹp của biển đảo, tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa tại những tỉnh thành có tiềm năng du lịch biển…

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL, cho biết một trong những vấn đề mà ngành du lịch các địa phương có biển, đảo đang gặp là sự trùng lắp và giẫm chân lên nhau, dẫn đến thiếu liên kết để phát triển. Theo ông, du lịch biển đảo không những tránh khai thác trùng lặp mà còn hỗ trợ, tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm đa dạng và phong phú hơn, phải nằm trong hoạch định của vùng. Mỗi địa phương cần tạo ra những đặc thù riêng của mình dựa trên các yếu tố khác biệt về cảnh quan, địa lý, văn hóa.

“Khách du lịch thường muốn thay đổi điểm đến. Năm ngoái đi Nha Trang, năm nay đi Phan Thiết, năm tới sẽ đến Phú Yên. Đấy là một nhu cầu tâm lý cần phải khai thác”, ông nói.

Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 ki lô mét, trong đó có hơn 1 triệu ki lô mét vuông diện tích mặt nước biển và trên 2.773 đảo ven bờ cùng hàng loạt bãi tắm.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, dọc bờ biển Việt Nam có khoảng 125 bãi biển thuận lợi cho việc phát triển du lịch như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Nhật Lệ (Quảng Bình), Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận), Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)… Trong đó, nhiều địa phương ven biển và hải đảo như Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam hội tụ đủ những giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn có giá trị, tạo sức hấp dẫn lớn về du lịch.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú ven biển không ngừng tăng lên. Số lượng khách sạn từ 3 sao trở lên phần lớn tập trung ở các địa phương ven biển. Tính đến hết năm 2010, vùng ven biển có gần 1.400 khách sạn với trên 45.000 phòng.

Tương lai ngành du lịch biển, đảo

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ đứng vào nhóm các nước có du lịch biển phát triển nhất Đông Nam Á cùng với Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần hình thành năm khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao trong khu vực. Đó là khu Hạ Long-Cát Bà; Lăng Cô-Sơn Trà-Hội An; Nha Trang-Cam Ranh, Phan Thiết-Mũi Né và khu du lịch Phú Quốc.