Xuất bản quảng bá các tác phẩm, công trình văn hóa
Trong suốt 45 năm Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM đã không ngừng vươn lên, đổi mới để phát huy vai trò của mình và cho ra đời nhiều đầu sách có chất lượng.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM. Ảnh: FBNV.
Xuất bản, với đặc trưng chuyên ngành, vừa là một bộ phận của nền văn hóa, vừa góp phần xây dựng, phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa. Với bề dày lịch sử 70 năm, ngành xuất bản Việt Nam đã cho thấy vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc qua các thời kỳ, có những đóng góp quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin được tập trung vào chủ đề: vai trò của ngành xuất bản đối với việc tạo dựng và bảo tồn, quảng bá các tác phẩm, công trình văn hóa; soi chiếu vào hoạt động cụ thể của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM từ khi được thành lập đến nay; và một vài suy nghĩ về những thuận lợi cũng như thách thức mà ngành xuất bản đang và sẽ đối diện trong quá trình thực hiện vai trò xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa trong tương lai.
Mục lục bài viết
“Sức mạnh mềm” của một quốc gia
“Linh hồn” của xuất bản chính là những cuốn sách. Thông qua các ấn phẩm, ta thấy được diện mạo, sức sống, sức sáng tạo, xu hướng của một nền xuất bản. Sách là nơi mà con người gửi gắm trong đó những tư tưởng, suy nghiệm, sự tìm tòi, khám phá, những tâm tư, tình cảm… Và do đó, bản thân mỗi cuốn sách là một công trình văn hóa.
Sách tạo dựng nên ngành xuất bản và ở chiều ngược lại, chính sự phát triển của ngành xuất bản đã thúc đẩy sự phát triển của sách. Điều đó đồng nghĩa với việc thúc đẩy sáng tạo nên các tác phẩm văn hóa. Một nền xuất bản đa dạng, phong phú và truyền cảm hứng sẽ thôi thúc các tác giả viết nên những công trình mới, mạnh dạn bày tỏ những suy tư, khám phá mới mẻ.
Một số ấn phẩm của NXB Tổng hợp TP.HCM. Ảnh: Đinh Thị Thu Thủy.
Một nền xuất bản tiên tiến sẽ luôn nhạy bén, đón đầu những xu hướng mới từ khắp nơi trên thế giới, sẽ giới thiệu đến bạn đọc bản dịch (hoặc có thể là nguyên bản) những cuốn sách mới, cung cấp những kiến thức tân tiến nhất về tất cả lĩnh vực. Đồng thời tạo ra “cú hích” đối với quá trình sáng tạo các công trình văn hóa mới ở trong nước. Và dĩ nhiên, trong một nền xuất bản nghèo nàn, chậm tiến và bị bó hẹp thì động lực sáng tạo cũng sẽ bị thui chột.
Trải qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đang ngày một thay da đổi thịt. Trong bước đường chung ấy, ngành xuất bản đã có sự phát triển vượt bậc. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản cùng Luật Xuất bản năm 2012 đã tạo điều kiện cho các xuất bản phẩm, đặc biệt là các loại hình sách giấy, sách điện tử, sách nói,… gia tăng về số lượng, nâng tầm chất lượng, đồng nghĩa với phát triển tiêu chí văn hóa đọc thông qua các tác phẩm, công trình văn hóa.
Bên cạnh sách của các tác giả trong nước, các tác phẩm của nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới, thuộc đủ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thuộc nhiều xu hướng, góc nhìn khác nhau đã được giới thiệu đến bạn đọc. Điều đó đã góp phần xây dựng nên một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, làm cho đời sống văn hóa của nước nhà trở nên cởi mở và sôi động hơn hẳn.
Không khí ấy – cộng hưởng cùng Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước – đã thúc đẩy sức sáng tạo của nhiều tác giả, các nhà xuất bản và nhiều đơn vị phát hành, khiến cho số lượng đầu sách được viết và được chuyển ngữ ngày càng gia tăng. Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng: thúc đẩy sáng tạo văn hóa chính là một thuộc tính quan trọng của ngành xuất bản.
Rất nhiều thành tựu về văn hóa của nhân loại đã được chuyển hóa thành các xuất bản phẩm. Nhờ có sách mà những giá trị văn hóa tinh thần của con người được lưu giữ và truyền lại qua các thế hệ. Nói cách khác, mỗi cuốn sách chứa đựng trong nó một phần tri thức, tình cảm của con người, mỗi cuốn sách là một “viên gạch” góp phần xây dựng nên “tòa lâu đài” văn hóa.
Đó chính là khía cạnh bảo tồn và tích lũy văn hóa của ngành xuất bản. Sự vững chắc của “tòa lâu đài” phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự bền chắc của từng “viên gạch”. Cũng giống như vậy, mỗi một bản thảo – qua “bộ lọc” của nhà xuất bản sẽ được chọn lọc, nhào nặn, nung nấu… để trở thành một “viên gạch” thật sự tốt, từ đó góp phần xây nên một “tòa lâu đài” văn hóa bề thế, vững mạnh.
Đối với mỗi quốc gia, khi ngành xuất bản phát triển mạnh, số lượng sách được xuất bản phong phú, đa dạng sẽ góp phần xây dựng nên kho tàng văn hóa tinh thần đồ sộ, từ đó tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội hưởng thụ văn hóa tốt hơn, dân trí và cả dân khí đều được nâng cao. Đó là những tiền đề quan trọng thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa. Đến lượt nó, khi sáng tạo văn hóa tạo ra nhiều tác phẩm mới sẽ càng làm đầy đặn thêm kho tàng văn hóa. Rõ ràng giữa sáng tạo văn hóa và tích lũy văn hóa có mối quan hệ tương tác hai chiều, thúc đẩy lẫn nhau.
Nói đến vai trò của ngành xuất bản trong lĩnh vực văn hóa, không thể không nói đến khía cạnh truyền bá văn hóa. Như đã trình bày ở trên, mỗi cuốn sách chứa đựng trong nó những suy tư, tình cảm… của tác giả và cả những giá trị văn hóa của cả một cộng đồng. Các nhà xuất bản là người bắc nhịp cầu nối giữa tác giả và bạn đọc, giữa văn hóa các quốc gia với nhau.
Mỗi cuốn sách ví như một chuyến tàu chuyên chở tri thức đi khắp muôn nơi. Thông qua các xuất bản phẩm mà một phần giá trị văn hóa của một cộng đồng, quốc gia, dân tộc được giới thiệu đến những cộng đồng, quốc gia, dân tộc khác. Chính vì vậy, trong nỗ lực quảng bá văn hóa của dân tộc mình, các quốc gia luôn luôn chú trọng đến việc dịch và giới thiệu các tác phẩm ra nước ngoài.
Ngay tại Việt Nam, nhiều đại sứ quán, lãnh sự quán có chương trình hợp tác, hỗ trợ dịch và giới thiệu các tác phẩm của nước mình. Và ở chiều ngược lại, trong những năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị xuất bản của Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm dịch và giới thiệu các ấn phẩm của nền văn hóa Việt Nam đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới. Có thể nói, sách là một phần không thể thiếu trong quá trình hình thành nên “sức mạnh mềm” của một quốc gia.
Tuy là một chấm nhỏ trong dòng chảy lịch sử xuất bản, nhưng vai trò truyền bá văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới đã được ngành xuất bản chú ý từ rất lâu. Khi cả nước đang tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thì trên lĩnh vực văn hóa, Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới) đã tham gia vào cuộc kháng chiến thần thánh của cả dân tộc bằng việc dịch và giới thiệu những cuốn sách của các tác giả Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Một phần chính từ những ấn phẩm này mà thế giới có thêm hiểu biết về đất nước, con người, về lịch sử nước ta; về chính nghĩa của dân tộc ta; và rằng Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử, văn hóa chứ không phải chỉ có những trận chiến ác liệt. Những hiểu biết đó rõ ràng đã góp phần hình thành, bồi đắp nên thiện cảm và sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của bạn bè khắp nơi trên thế giới dành cho nhân dân ta. Đó là một minh chứng về vai trò và kết quả truyền bá văn hóa của một đơn vị xuất bản.
Xây dựng, bảo tồn và truyền bá các công trình, tác phẩm văn hóa
Hơn 2 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1977, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM được thành lập. Trải qua 45 năm hoạt động, các thế hệ cán bộ, biên tập viên, nhân viên nhà xuất bản đã liên tục phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ của một cơ quan phục vụ công tác tư tưởng, văn hóa của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng và nâng cao văn hóa đọc của nhân dân, mở mang dân trí và đóng góp vào sự phát triển chung của một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Đi cùng quá trình hình thành và phát triển ngành xuất bản, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM được thành lập mới năm 1977 từ cái nôi là Nhà xuất bản Giải phóng (ra đời tháng 6/1968 tại Hà Nội). Sau ngày 30/4/1975, Nhà xuất bản Giải phóng chuyển vào Sài Gòn, lấy tên là Nhà xuất bản Văn học Giải phóng.
Tháng 12/1977, theo đề nghị của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa đã ra quyết định sáp nhập Nhà xuất bản Văn học Giải phóng với một số bộ phận văn hóa khác của Thành phố thành lập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM. Đến ngày 29/4/1980, bộ phận văn học nghệ thuật của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM tách ra hoạt động độc lập và mang tên Nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM, trực thuộc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật thành phố.
Năm 2010, một cuộc hợp nhất giữa Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn và Nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM thành Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, tạo thành hai đơn vị xuất bản trực thuộc Thành ủy. Năm 2021, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, cuộc tái cơ cấu, hợp nhất tiếp theo giữa Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM và Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM thành Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, cho chúng ta một phác họa tổng thể sự tái cấu trúc của ngành xuất bản cả nước nói chung và Nhà xuất bản của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Dù ở loại hình nào, với tôn chỉ, mục đích đã được xác lập, là một cơ quan tư tưởng, văn hóa của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vẫn kiên trì mục tiêu thúc đẩy hoạt động sáng tạo, lưu giữ và bảo tồn các giá trị, các công trình văn hóa trên địa bàn Thành phố. Nhà xuất bản luôn chủ động xây dựng các mảng đề tài, liên hệ, đặt hàng các tác giả uy tín để có được những bản thảo có chất lượng cao.
Một trong những mảng đề tài mà nhà xuất bản luôn chú trọng là lịch sử truyền thống cách mạng. 45 năm qua, rất nhiều đầu sách có giá trị về lịch sử Đảng, về Bác Hồ, về cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn – Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng nhằm giành lại và bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước đã được xuất bản và được đông đảo bạn đọc hoan nghênh, như các cuốn sách: Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam, Địa chí Hành chính các tỉnh Nam Kỳ…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là tác giả của nhiều đầu sách lịch sử, nghiên cứu văn hóa được xuất bản tại NXB Tổng hợp TP.HCM.
Thông qua những ấn phẩm đó, một phần quan trọng trong giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc ta là lòng yêu nước, ý chí chiến đấu quật cường đã được lưu giữ và bảo tồn.
Bên cạnh mảng sách về lịch sử truyền thống cách mạng, trong những năm gần đây, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư nhiều tâm sức để phát triển dòng sách về lịch sử – văn hóa vùng đất Nam Bộ. Nhà xuất bản chủ động đặt hàng, khuyến khích các tác giả viết nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, văn chương của vùng đất này.
Nhờ đó, nhiều tác phẩm văn học của các tác giả Nam Bộ đã được xuất bản và tái bản (như các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Tổng tập Ca Văn Thỉnh, Tuyển tập Vũ Hạnh), nhiều tác phẩm mới đã được giới thiệu tới bạn đọc. Có thể kể đến những công trình như bộ sách Văn chương Sài Gòn, Truyện Kiều ở Nam Bộ, Văn học Nam Bộ (1945 – 1954), Văn học Sài Gòn 1954 – 1975 – những chuyện bên lề, một số sách giới thiệu về văn học dân gian ở các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang…
Trong thời gian qua, hàng trăm nghìn cuốn sách thuộc chủ đề lịch sử truyền thống cách mạng và lịch sử văn hóa Nam Bộ được giới thiệu tới bạn đọc đã góp một phần nhỏ bé bồi đắp thêm kho tàng văn hóa của dân tộc. Sự thiết tha, trân trọng các giá trị lịch sử – văn hóa truyền thống, tinh thần làm việc nghiêm túc của đội ngũ cán bộ, biên tập viên, nhân viên Nhà xuất bản đã góp phần vào sự ra đời của các ấn phẩm, qua đó thúc đẩy các tác giả tiếp tục viết về mảng đề tài này. Đó cũng là một phần của thúc đẩy sáng tạo và bảo tồn văn hóa.
Quảng bá các giá trị văn hóa là một trong những mục tiêu quan trọng mà Nhà xuất bản luôn hướng tới. Trong việc giới thiệu những ấn phẩm mới của thế giới đến với bạn đọc Việt Nam, cách đây hơn một thập kỷ, Nhà xuất bản đã cho ra đời “Tủ sách tri thức hiện đại” được khai thác và mua bản quyền từ các đơn vị xuất bản, các tác giả nước ngoài.
Những năm gần đây, chúng tôi đã giới thiệu đến bạn đọc nhiều công trình, tác phẩm văn học, triết học, lịch sử, khoa học kỹ thuật, sách dành cho thiếu nhi… của các tác giả châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… Có thể kể đến một số ấn phẩm như bộ sách Cẩm nang tư duy, bộ sách Văn học Hàn Quốc, cuốn Văn chương Nhật Bản – vẻ đẹp mong manh, bất tận,…
Ở chiều ngược lại, Nhà xuất bản cũng đang từng bước nỗ lực đưa sách của các tác giả trong nước đến với bạn bè quốc tế thông qua việc giới thiệu các ấn phẩm tại những triển lãm, hội chợ sách quốc tế; xuất bản sách song ngữ; đặt hàng các dịch giả chuyển ngữ một số ấn phẩm ra tiếng Anh như: The Hoang Sa and Truong Sa archipelagoes – part of Vietnam’s territory, Embracing life comtemporary short fiction from Southern Vietnam… Một số ấn phẩm của Nhà xuất bản đã được phát hành tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Những thành quả bước đầu tuy còn nhỏ bé song đó là những “viên gạch” quan trọng, đặt nền móng cho việc xây dựng một công trình văn hóa mà chúng tôi hằng mơ ước.
Một nhà trí thức Nam Bộ từng nói rằng: “Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc”. Những người làm trong ngành xuất bản trong suốt 70 năm qua có thể tự hào đã đóng góp một phần nhỏ bé để làm đẹp hơn, phong phú hơn cho “tâm hồn” ấy thông qua việc thúc đẩy, bảo tồn và quảng bá các tác phẩm, công trình văn hóa.
Chặng đường phía trước còn rất dài, nhiều hứa hẹn song cũng đầy thử thách. Xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, những bước tiến đáng kinh ngạc và liên tục của khoa học và công nghệ đã đặt các đơn vị xuất bản đứng trước thời cơ có thể nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận với các ấn phẩm của nước ngoài cũng như giới thiệu mỗi ấn phẩm văn hóa của đất nước mình đến với đông đảo bạn đọc khắp nơi, kể cả những vùng xa xôi nhất, quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc ra thế giới.
Song, xu thế đó cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức không hề nhỏ. Trước tiên là vấn đề kịp “chuyển mình” để thích ứng với những thay đổi to lớn của thời đại, để không bị tụt hậu. Thứ hai, sự phát triển của không gian mạng khiến cho mỗi cá nhân có thể tự mình dễ dàng, nhanh chóng giới thiệu những tác phẩm của mình đến với độc giả.
Trong bối cảnh đó, các đơn vị xuất bản cần làm gì để giữ chân, để thu hút các tác giả tin tưởng gửi gắm đứa con tinh thần của mình, để có thể tiếp tục duy trì vai trò “bộ lọc”, để thúc đẩy và quảng bá những sáng tạo văn hóa có giá trị? Thiết nghĩ, đó là những câu hỏi không hề dễ dàng và chưa thể có câu trả lời trong ngày một ngày hai, song chúng ta buộc phải đối diện. Khi chúng ta đã đặt ra và luôn nghĩ về những câu hỏi ấy thì chắc hẳn chúng ta sẽ tìm được cho mình một hướng đi phù hợp.