Ý nghĩa đặc biệt của mâm ngũ quả ngày Tết không phải ai cũng biết

Video: Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết (Nguồn: VTC)

Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết

Mỗi dịp Tết đến xuân sang, bên cạnh bánh chưng, hoa đào, thì mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trên bàn thờ của mỗi gia đình người Việt.

Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ đạo Phật, được nhắc đến trong kinh Vu-lan-bồn (Ullambana Sutra) với hình ảnh “trái cây năm màu”. 5 màu tượng trưng cho “ngũ thiện căn” theo quan niệm nhà Phật, gồm: tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).

mam ngu qua ngay tet 4

Tùy theo đặc điểm, phong tục tập quán, mỗi miền lại có cách bày mâm ngũ quả khác nhau.

Theo quan niệm của người phương Đông, ngũ quả được thể hiện cho 5 hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ. Ngoài ra, mâm ngũ quả còn mang ý nghĩa an khang, thịnh vượng, giúp cho năm mới được suôn sẻ, may mắn.

Mâm ngũ quả gồm 5 loại quả khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ thông qua tên gọi và màu sắc của loại quả đó. Không những thế, “ngũ” còn thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn: phú (giàu), quý (sang), thọ (sống lâu), khang (mạnh khỏe) và ninh (bình an).

Tại sao lại là 5 loại quả mà không phải là con số nào khác? Trong văn hóa phương Đông, nhiều quy luật tự nhiên được gắn với chữ “Ngũ” như ngũ hành, ngũ cốc, ngũ quan, ngũ vị, ngũ tạng… Số 5 tượng trưng cho sự sống, sự đầy đủ và 5 loại quả cũng ứng với thuyết ngũ hành.

Việc bày mâm ngũ quả ngày Tết mang ý nghĩa bày tỏ tấm lòng thành kính với các bậc tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Quả cũng tượng trưng cho thành quả lao động cả năm của con cháu dâng lên các bậc bề trên.

5 loại quả được chọn để bày lên mâm ngũ quả tùy thuộc vào quan niệm văn hóa cũng như đặc trưng về sản vật của các vùng miền. Mỗi loại quả có những ý nghĩa riêng, thể hiện qua hình dáng, hương vị, màu sắc hay thậm chí là cả cách đọc tên. Ở mỗi miền, tùy theo quan niệm và phong tục tập quán, mà người ta lại có những cách bày mâm ngũ quả khác nhau.

Mâm ngũ quả ngày Tết ở ba miền

Miền Bắc

mam ngu qua ngay tet 1

Người miền Bắc bày mâm ngũ quả phối theo 5 màu.

Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: kim-trắng, mộc-xanh, thủy-đen, hỏa-đỏ, thổ-vàng. Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường có 5 loại quả: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt.

Cách trình bày truyền thống là chuối ở dưới cùng đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác, chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng, các loại quả khác bày xung quanh, những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt nhỏ hoặc quất.

Miền Trung

mam ngu qua ngay tet 2

Mâm ngũ quả miền Trung là sự giao thoa giữa hai miền Nam, Bắc.

Người miền Trung không quá câu nệ hình thức, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng cúng tổ tiên. Bởi thế, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau, miễn là tươi ngon.

Các loại quả thường thấy trong mâm ngũ quả của người miền Trung là thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt,…

Miền Nam

mam ngu qua ngay tet 3 3

Mâm ngũ quả của người miền Nam thể hiện mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài”.

Người miền Nam bày mâm ngũ quả với mong muốn: “Cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.

Người miền Nam kỵ cúng một số loại quả vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt như: chuối gần với từ chúi nhủi, làm ăn không phất lên được; lê gần với từ lê lết, đổ bể, dễ thất bại; cam, quýt với ý nghĩa quýt làm cam chịu.

Ý nghĩa của một số loại quả trong mâm ngũ quả

Ngũ quả được xem như biểu tượng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài mà người nông dân muốn dâng lên tổ tiên, ông bà.

Ngũ quả cũng bày tỏ mong mỏi, hy vọng của người dân về một năm mới no đủ, sung túc, hạnh phúc, vui vẻ. Vì thế, mỗi loại quả bày trên mâm ngũ quả đều chuyển tải một thông điệp.

Chuối xanh: Màu xanh tượng trưng cho hành Mộc, mang ý nghĩa như bàn tay ngửa để che chở đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết.

Quả phật thủ: Phật thủ có hình dạng đặc biệt tựa như những bàn tay của Phật, che chởm bảo vệ cho gia đình. Phật thủ thường được đặt ở trung tâm, nơi cao nhất trong mâm ngũ quả. Táo: Có nghĩa là phú quý.

Quýt/quất: Theo âm Hán của từ “quất” gần giống âm của từ “cát”. Bày quất trên mâm ngũ quả ý nghĩa mang lại sung túc, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.

Bưởi: Được đặt trên nải chuối xanh, tượng trưng cho phúc lộc với mong muốn an khang, thịnh vượng.

Dưa hấu: Dưa hấu với vỏ xanh và ruột đỏ sẽ mang lại sự may mắn. Quả căng tròn mọng nước, ngọt thanh tượng trưng sự sung túc và căng tràn sức sống. Dưa hấu ruột vàng cũng được lựa chọn nhiều vì màu vàng cũng là màu may mắn.

Đu đủ: Giống như tên gọi của nó, chưng đu đủ trong ngày Tết, người Việt Nam mang theo mong muốn được sự đầu đủ,thịnh vượng trong cuộc sống không những trong kinh tế mà còn cả tình cảm.

Xoài: Người miền Nam phát âm là “xài”, ý muốn cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn, cuộc sống sung túc.

Dừa: Người miền Nam phát âm là “vừa”, ý muốn cầu mong sự vừa đủ, không túng thiếu và viên mãn trong cuộc sống.

Sung: Người ta chọn sung để biểu trưng cho sự sung mãn không những về tình cảm, sức khỏe mà về cả tiền bạc, như cái tên vốn có của nó.

Thơm (miền Nam gọi là khóm): Với dáng như rồng (thân có vảy như vảy rồng) với ý nghĩa mang lại sự giàu có, may mắn và thịnh vượng.

Thanh long: Mang ý nghĩa rồng mây hội tụ, tượng trưng cho sự cát tường, thịnh vượng.

Nho: Trong phong thủy, nho tượng trưng cho sự tạo ra sự phong phú của cải vật chất. Nho cũng đại diện cho sự thành công. Đôi khi, nho cũng được sử dụng như là công cụ phong thủy cho việc hóa hung thành cát, biến vận hạn rủi ro thành may mắn.

Quả trứng gà (hay Lê-ki-ma) như hình đào tiên: Lộc trời.

Quả lê: Vị ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.

Quả lựu: Nhiều hạt tượng trưng cho con đàn cháu đống.

Quả đào: Thể hiện sự thăng tiến.

Mai: Hạnh phúc, không cô đơn.

Mâm ngũ quả gắn với sản vật của từng miền, cộng với phong tục tập quán riêng mà người dân mỗi miền chọn lựa bày mâm ngũ quả riêng theo ý mình.

Mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, dù có khác nhau giữa các vùng miền nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc, đủ đầy.

Phong Linh

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo