Ý nghĩa và cách trang trí cây quất ngày Tết cực đẹp – CafeLand.Vn
CafeLand – Với cành lá xum xuê và quả tròn đầy, căng mọng, cây quất được nhiều gia đình lựa chọn trưng bày trong ngày Tết với mong muốn cả năm sung túc, đủ đầy và nhiều may mắn.
Trang trí cây quất ngày Tết
Ý nghĩa phong thủy cây quất ngày Tết
Người Việt thường quan niệm rằng, trưng bày những cây có màu vàng, màu đỏ sẽ đem lại may mắn cho gia đình cả năm. Bên cạnh đó, những cây có quả màu vàng với hình dáng tròn đầy, cành lá xum xuê là biểu tượng cho sự sung túc, đầy đủ, phúc lộc dồi dào.
Theo đó, trong số nhiều loại cây có quả thì cây quất là loại cây phổ biến được nhiều gia đình, doanh nghiệp và công ty lựa chọn trưng gần bàn trà, sân vườn, hành lang, thềm nhà,…vào ngày Tết.
Mục lục bài viết
Cây quất hợp mệnh nào, tuổi nào?
Cây quất là loại hội đủ ngũ hành và ngũ hành đều vượng: Kim (hoa màu trắng) sinh Thủy (lá xanh đậm), mộc sinh Hỏa (quả chín màu cam), Thủy sinh Mộc (thân cây), Hỏa sinh Thổ (đất trong chậu) và Thổ sinh Kim (hoa màu trắng). Do đó, việc trồng cây quất trong nhà làm cây phong thủy giúp cân bằng âm dương ngũ hành, mang đến sự bình an, tài lộc, may mắn cho gia chủ.
Đối với tuổi, cây quất cảnh sẽ khắc phục những yếu điểm trong tính cách của những người mang tuổi Tuất, Thân và Hợi. Đại đa số, tuổi Thân, Hợi, Tuất đều có một đặc điểm chung là chân thành, luôn đối xử tốt với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, chính điều đó cũng khiến họ đôi khi bị lợi dụng, lòng tốt đặt không đúng chỗ.
Do vậy, cây quất cảnh sẽ mang lại sự hài hòa, chỉ đường dẫn lỗi mọi công việc của mình đi theo đúng quỹ đạo, tránh mắc sai lầm và nhanh chóng đạt được thành công bền vững. Đối với những tuổi còn lại quất cảnh càng làm tôn lên những tính cách linh hoạt, nhạy bén của họ.
Cách trang trí cây quất ngày Tết đẹp
Khi trang trí nhà cửa hay cây cảnh, điều đầu tiên cần phải xem xét về yếu tố phong thủy, nhất là vào những dịp Tết đến xuân về việc trang trí cần theo phong thủy để có được sự may mắn, tiền tài và mang đến không gian hài hòa, không khí tươi vui.
Chính vì vậy, trang trí cây quất ngày tết gia chủ cần chú ý lựa chọn đồ trang trí có màu sắc hài hòa với cây và đặc biệt phù hợp với không khí tươi vui của ngày Tết.
Do đó, chậu cây quất có màu vàng cam sẽ thích hợp với những đồ vật trang trí có màu đỏ và màu vàng.
Nhiều gia đình lựa chọn trang trí đơn giản cho cây quất bằng cách treo những lời chúc tốt đẹp cho những ngày đầu năm mới như “An khang thịnh vượng – Vạn sự như ý”, “Chúc mừng năm mới”,….
Một số gia đình chơi cây quất khác thì sử dụng dây đèn màu hoặc những dải dây kim tuyến lấp lánh để quấn xung quanh cây theo đường lượn sóng, tạo sự thu hút và nổi bật cho chậu cây.
Đơn giản hơn, nhiều gia đình có thể lựa chọn một số chậu cây quất có phần chậu được tạo hình ông địa, bởi ông địa có gương mặt phúc hậu tượng trưng cho sự bình an và một năm mới sung túc, đủ đầy. Đây cũng được xem là một hình thức trang trí cây quất độc đáo.
Một số chậu cây quất độc đáo cho ngày Tết
Năm con trâu trưng “trâu vàng cõng quất”
Cây quất thế nghiêng xum xuê trái
Cây quất bonsai mini đơn giản nhưng đẹp
Chậu quất bonsai có thân cây “lượn sóng” độc đáo
Thế cây quất độc, lạ được trưng bày ở phòng khách ngày Tết
Chậu quất có thế cây hình chữ S tượng trưng cho đất nước Việt Nam
Chậu quất dáng thác đổ độc đáo
Cách trồng và chăm sóc cây quất
Để cây sinh trưởng và phát triển tốt, tiết kiệm thời gian, cây quất thường được trồng bằng cách giâm cành. Thời điểm tốt nhất để trồng cây quất là bắt đầu mùa mưa, độ ẩm, nhiệt độ phù hợp.
– Đất trồng: cây quất phát triển tốt trên đất thịt, nhiều mùn. Bạn nên chọn loại đất tơi xốp, có độ pH từ 5-6. Sau thời gian chưng Tết, khi cây bắt đầu hơi khô héo, bạn có thể ngâm trong dung dịch kích rễ, ngắt bớt lá để cây phát triển nhanh hơn. Sau đó mang ra vườn trồng vào hố đã chuẩn bị sẵn, có thể thêm phân hữu cơ hoặc NPK tăng dinh dưỡng cho cây.
Chăm sóc cây quất sau khi trồng
– Ánh sáng: Nên trồng cây quất ở nơi có bóng râm hoặc tán cây, tránh nơi có ánh nắng trực tiếp và quá gay gắt làm cây bị khô héo.
– Tưới nước: nên tưới vào sáng sớm hoặc chiều tối lúc trời mát mẻ.
– Tạo hình cho cây quất: Khi cành, lá cây quất đã phát triển tốt bạn có thể thực hiện các kỹ thuật tạo thế, tạo tán cho cây. Nếu cành lá vẫn phát triển theo thế cũ đẹp rồi bạn chỉ cần tỉa bớt chúng thôi. Khi cắt tỉa, bạn cần sử dụng những dụng cụ dao, kéo sắc chuyên nghiệp để tránh làm hỏng cành. Công việc cắt tỉa cành lá cần làm theo định kỳ 7 – 10 ngày một lần.
Mẹo giúp cây quất có quả đúng dịp Tết
– Cho cây vào chậu: Khoảng giữa cho tới cuối tháng 5 dương lịch, bạn có thể đánh quất trồng vào chậu để chăm sóc tiếp, bước này cũng được coi là bước đảo quất để kích thích cây ra hoa. Trước khi đảo quất, tưới đủ ẩm, dùng đầm sắt xỉa xung quanh cách gốc cây 60 – 100cm rồi dùng cuốc moi hết đất xung quanh tạo rãnh sâu 40cm, rộng 20cm.
Sau đó tỉa bỏ bớt đất đến khi đường kính bầu còn khoảng 40 – 60cm. Trong quá trình bỏ bớt đất, ta chặt bỏ các rễ quá to (đường kính > 1cm) không quấn quanh bầu được, còn các loại rễ nhỏ, mềm dài đem quấn quanh bầu, dùng dây nilon buộc chặt rễ qua gốc. Dùng đầm sắt xỉa mạnh để cắt đứt phần đất cũng như rễ ở phía dưới bầu. Cuối cùng, bạn chỉ cần nhấc cây vào cho vào chậu trồng.
– Tạo quả: Nếu muốn trên tán chỉ có một loại quả: Để cây vừa đánh bầu vào nơi râm mát, tránh mưa to làm hỏng bầu trong thời gian khoảng 10-20 ngày. Khi các lá héo rụng gần hết (80-90% lá rụng) mới đem cây trồng lại vào chậu và chăm sóc bình thường. Làm như vậy vào khoảng tháng 7- 8 cây sẽ ra hoa kết quả đồng loạt và chín vào tháng 1-2 dịp Tết Nguyên Đán.
– Muốn tán vừa có quả chín, quả xanh, vừa có lộc hoa: Để cây mới đánh bầu trong bóng mát 7-10 ngày sao cho tán cây héo rụng bớt 1/2 lá, đem trồng vào chậu chăm sóc tiếp.
Khi quả ở lứa hoa đầu và lứa hoa thứ hai to bằng hạt đỗ nhỏ (tháng 6-8), ta vặt bớt 1/2 lượng quả, vặt bỏ lộc non, bón thúc phân đạm + kali hoặc nước tăng trưởng cây lại tiếp tục ra hoa, kết quả, phát lộc những lứa sau. Cuối năm sẽ được cây trên tán vừa có quả chín, quả xanh, vừa có hoa và lộc non.