Phim hay tối thứ Bảy: Tình yêu không bao giờ bị lãng quên
Cùng chung ngọn lửa
The Notebook mở đầu bằng cảnh chèo thuyền trong sắc đỏ hoàng hôn rực rỡ. Những cánh thiên nga trắng đang bay về phía cửa sổ của bà Allie già (Gena Rowlands), sống ở viện dưỡng lão. Bà mắc bệnh Alzheimer, chứng mất trí ở người già. Nhưng Allie không cô đơn, bởi mỗi ngày đều có ông lão Noah (James Garner) đến đọc sách cho bà nghe. Ông kể về chuyện tình của hai người trẻ tuổi vào thập kỉ 40: Nàng là tiểu thư giàu có, về miền quê Bắc California vui chơi kì nghỉ hè. Còn chàng là gã công nhân nghèo, làm việc ở xưởng gỗ, không có tương lai.
The Notebook đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Noah trẻ (Ryan Gosling) gặp gỡ Allie thời trẻ (Rachel McAdam) trong một hội chợ, và yêu cô từ ánh nhìn đầu tiên. Dĩ nhiên Allie không thèm để mắt đến một gã ất ơ nào đó, và anh chàng phải tìm cách làm quen. Cảnh phim lãng mạn đầu tiên là khi Noah trèo lên chiếc đu quay trong đêm, và đề nghị Allie một cuộc hẹn. Nếu cô không đồng ý anh sẽ thả mình rơi xuống.
Điều tuyệt vời của cảnh này không chỉ ở sự dễ thương và đáng yêu của hành vi làm quen, mà còn ở chỗ bộc lộ rõ tính cách hai nhân vật. Noah, như lời anh tự nhận sau đó “ Khi nhìn thấy thứ gì anh thích, anh sẽ … yêu thứ đó ”, thật ra có nghĩa “ Khi anh đã yêu một ai đó, anh sẽ không từ bỏ. ” Trong khi đó, Allie cũng không chịu thua, trả đũa bằng trò chế giễu. Họ đều cứng đầu và có một chút ít hiếu thắng của tuổi trẻ, nhưng đó là một phần của điều lớn hơn : Họ rất hợp nhau. Họ có chung một ngọn lửa, đã sáng lên trong đôi mắt Noah ở lần đầu nhìn thấy Ellie, và rõ ràng hơn với tất cả chúng ta khi cả phim trôi đi.
Sức sống bền bỉ
Xem thêm: Top 11 12 câu đố khó mới nhất 2022
Ở một bộ phim lãng mạn, The Notebook có được sức hút từ điều quan trọng nhất, là màn diễn xuất và tương tác thuyết phục của hai diễn viên chính. Ryan Gosling thời điểm ấy, được đánh giá cao bởi giới chuyên môn qua các phim Murder by Numbers (2002), The United States of Leland (2003), vẫn thiếu một thành công mang tính bứt phá. The Notebook suýt chút nữa đã trôi qua mũi Gosling. Đạo diễn Nick Cassavetes ban đầu muốn chọn một ai đó “ít được biết đến” và “không quá đẹp trai” cho vai diễn, cuối cùng lại đề nghị Gosling – có vẻ không đúng lắm cho vế thứ hai. Nam diễn viên Canada thì lại e sợ phải vào một vai thay đổi qua thời gian. Gosling từng nghĩ Cassavetes bị điên vì đã chọn anh.
Với Rachel McAdam, thì mọi việc dễ dàng nhanh chóng hơn. Ngay từ lần thử vai đầu tiên, mọi người đều biết cô là Ellie. Cô có cốt cách của một tiểu thư đài các, sự thoải mái và tinh thần tự do của một cơn gió, cùng khả năng tự chủ tuyệt vời trong diễn xuất. Lí do lớn nhất cho sức sống bền bỉ của bộ phim này, không gì khác ngoài Gosling và Ellie. Một dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp cả hai người, dù không phải dấu ấn lớn nhất. Gosling không bao giờ có lại sự ngây thơ trong diễn xuất như từng có trong The Notebook. Nó là thứ không thuộc về tài năng, mà là thời điểm. McAdam thì được trọn vẹn với hình tượng tiểu thư rất phù hợp, để sau đó, mỗi lần cô trở lại đều chỉ dựng nên một phiên bản kém hơn của Ellie.
The Notebook còn có sự đóng góp hoàn hảo của phần nhạc phim, soạn bởi Aaron Zigman. Có thể nói đây là đỉnh cao sự nghiệp của ông. Những bản nhạc nền dịu dàng, lãng đãng như dòng sông mùa hạ, hòa quyện tuyệt vời với từng cảnh phim. Khi tất cả các thành tố đều xuất sắc, từ diễn xuất, âm nhạc, các khung hình được chăm chút của đạo diễn Cassavetes, The Notebook có được thứ sức sống đáng kinh ngạc. Nó vượt qua câu chữ của Nicholas Sparks để có đời sống riêng, và vẫn làm ấm lòng chúng ta nhiều năm sau, cả khi câu chuyện không còn mới nữa. Tình yêu thật sự có tồn tại không? Khi thưởng thức cảnh cao trào bên bờ hồ đẹp đẽ, với những cánh thiên nga trắng muốt và nụ hôn trong làn mưa lạnh lẽo, làm sao chúng ta có thể nói “Không”?
HOÀI NAM
Source: https://mix166.vn
Category: Hỏi Đáp